Bước chuyển sau 10 năm thực hiện Nghị quyết về “tam nông”

Thứ tư, 05/12/2018 01:11
(ĐCSVN) – Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, góp phần giúp nền nông nghiệp chuyển mình phát triển, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng to đẹp hơn, vai trò chủ thể của nông dân được khẳng định, đời sống được nâng lên…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X. (Ảnh: HH)


Cách đây 10 năm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới, trên cơ sở tổng kết bài học 20 năm đổi mới, ngày 05 tháng 8 năm 2008, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đây là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Qua 10 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; vai trò và vị thế của người nông dân ngày càng được nâng lên.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Đây là một Nghị quyết rất đúng và rất trúng về “tam nông”. Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả đột phá”.

Cụ thể, 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn, tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng. Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Trình độ canh tác được nâng cao. Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng lên, năm 2017 đạt 90,1 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Một số nông sản đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008.

Giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, năm 2017 đạt 6,48%/ năm. Độ che phủ rừng tăng mạnh, đạt 41,45%.

Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn có xu hướng tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 12,2%. Dịch vụ ở nông thôn phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động nông thôn có sự thay đổi tích cực. Số hộ nông thôn tham gia các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2016 chiếm 40,03% (tăng 14,93% so với năm 2006). Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp trong cơ cấu thu nhập bình quân đầu người/tháng khu vực nông thôn tăng từ 60,5% lên 73%.

Xây dựng nông thôn đổi mới trở thành phong trào sâu rộng; kết cấu hạ tầng được nâng cấp; điều kiện sinh sống ở nông thôn được cải thiện. Sau 7 năm thực hiện, tới 30/6/2018 cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến năm 2017 có 99,4% xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã, 97,8% số thôn, 99,2% hộ nông thôn có điện; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hoá.

Nhiều nông dân đã chuyển đổi thành công các loại cây trồng trên nền đất cũ
cho thu nhập và năng suất cao. (Ảnh: HH)

Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm, riêng ở các huyện nghèo giảm tới 4%/năm.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn. Đến hết năm 2017, cả nước có 34.048 trang trại, tăng mạnh so với năm 2012 (22.564 trang trại).  

Đã có nhiều hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2017, cả nước có 11.688 HTX nông nghiệp, 1.154 hợp tác xã phi nông nghiệp, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân với 4,4 triệu thành viên, 1,58 triệu lao động, tổng tài sản 51.168 tỷ đồng. Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả tăng từ 10% (năm 2012) lên 33% (năm 2017).

Đến tháng 7/2018, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Trong 10 năm qua hàng loạt chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng XHCN và ưu đãi hơn cho nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, chính sách về đất đai mới đã khuyến khích nông dân yên tâm hơn đầu tư cho sản xuất.

Tổng số Ngân sách nhà nước đã đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng, trong đó riêng cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là 415 nghìn tỷ đồng, đầu tư phát triển nông thôn 755 nghìn tỷ đồng.

Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao hơn mức bình quân của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; huy động vốn FDI; đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cùng còn nhiều hạn chế lớn cần phải khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để làm cuộc cách mạng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần chuyển tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng; cần nhận diện cơ hội và thách thức để nhận diện định hướng chiến lược; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để tiếp tục phát triển, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số của Cách mạng công nghiệp 4.0...

Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp khắc phục nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, để đáp ứng nhu cầu mới, nguồn lực mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, hội nhập với tư duy mạnh mẽ; chủ động khắc phục, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, coi đây là định hướng quan trọng cần thống nhất từ trung ương đến địa phương để người dân yên tâm sử dụng; rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp như: cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ hơn.../.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực