Cà Mau phát triển bền vững nghề nuôi tôm

Thứ sáu, 06/12/2019 09:51
(ĐCSVN) – Với khoảng 303 nghìn ha nuôi thả thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi thả tôm, Cà Mau hiện là địa phương có diện tích nuôi thuỷ sản lớn, chiếm gần 40% diện tích.
leftcenterrightdel
Nuôi tôm theo công nghệ mới giúp tăng giá trị thu nhập (Ảnh: K.V). 

Với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm mang về trên 1 tỷ USD, nghề nuôi và chế biến thuỷ sản ở Cà Mau còn là nguồn sinh kế cho trên 305 nghìn hộ dân và tạo ra nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thuỷ sản, các ngành thương mại dịch vụ liên quan.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho hay, với diện tích trên, sản lượng tôm bình quân ở Cà Mau là 150 nghìn tấn/năm. Theo thời giá hiện tại, 1 năm tiền thức ăn cho tôm nuôi ở Cà Mau tiêu tốn khoảng 4.950 tỷ đồng.

Có thể thấy, qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay nghề nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau không những mở rộng về diện tích, phát triển nhiều loại hình nuôi mà còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến vào nuôi siêu thâm canh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, Cà Mau là tỉnh có nhiều thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,1 tỉ USD vào sau năm 2021 thì cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó, cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững, giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất.

Chính vì vậy, Cà Mau đang tập trung thực hiện hiệu quả đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai giải pháp khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giảm tổn thất sau thu hoạch trong nuôi tôm.

Theo đề án, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 280.000 ha. Tổng sản lượng đạt 280.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi tôm không mở rộng mà chỉ ổn định ở mức 280.000 ha nhưng sản lượng tăng từ 280.000 tấn năm 2020 lên 415.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Cà Mau đang chú trọng đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ khuyến ngư các cấp, ưu tiên đào tạo chuyên ngành công nghệ sinh học, ngành ứng dụng công nghệ cao. Địa phương này cũng thực hiện giao đất, mặt nước cho các thành phần kinh tế sử dụng vào mục đích nuôi tôm ổn định, lâu dài; chuyển đổi diện tích đất sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm kém hiệu quả do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đất lâm nghiệp ven sông trồng rừng kém hiệu quả sang nuôi tôm.

Đồng thời, các ngành chức năng của Cà Mau cũng nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh, lồng ghép với cơ chế chính sách của Trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi tôm và chế biến xuất khẩu ngành hàng tôm. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Cà Mau có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao, tạo bước đột phá trong nuôi tôm…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực