Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh – Hiệu quả và giải pháp

Thứ sáu, 24/03/2017 00:59
(ĐCSVN) – Đó là chủ đề buổi Tọa đàm trực tuyến do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội.
Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia (Ảnh: K.D)

Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, thời gian qua môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện, tuy nhiên theo phản ánh ở một số cơ quan, cơ sở và địa phương, tình hình chuyển biến còn khá chậm, hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn bị cản trở, gây khó khăn, thậm chí bị sách nhiễu.

Để xảy ra tình trạng như vậy, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia nhận định ngoài những nguyên nhân khách quan như: trình độ năng lực của cán bộ còn yếu kém, tư duy bảo thủ trì trệ trong lề lối làm việc thì nguyên nhân chính được chỉ tên đó là: lợi ích cá nhân và cục bộ tràn lan, sự thờ ơ vô trách nhiệm cũng như sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cấp, các ngành. Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng phản ánh tình hình thực tế, chỉ ra những mặt tích cực cũng như những hạn chế và đưa ra giải pháp góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế khẳng định, ở góc độ luật, những ghi nhận trong pháp lý được rõ hơn. Người đứng đầu Chính phủ và hệ thống quản lý Nhà nước đã tỏ ra quyết tâm chính trị cao. Do vậy, chưa bao giờ tâm lý hứng khởi và niềm tin đầu tư vào Việt Nam được thể hiện rõ như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải thận trọng bởi đội ngũ cán bộ thừa hành vẫn như vậy, lợi ích nhóm vẫn còn, chưa có nhiều thay đổi trong cải cách tiền lương… thậm chí các Nghị quyết Chính phủ mới được chép lại vào các chương trình hành động ở địa phương, chứ chưa được cụ thể hoá thành các dự án, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện.

Ở góc độ của một doanh nghiệp, ông Hoàng Trần Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị ông ty Việt Nam Toàn cầu đánh giá: Nghị quyết 35 của Chính phủ đã mang lại lợi thế cho doanh nghiệp trẻ. Tuy nhiên, đi vào đầu tư cho lĩnh vực này, bản thân doanh nghiệp của ông nảy sinh một số vấn đề về nguồn cung và cầu. Về phía doanh nghiệp, để cung cấp được thực phẩm sạch,  doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất, đầu tư kinh doanh. Về phía người tiêu dùng có thể bỏ nhiều tiền để mua thực phẩm sạch nhưng không có căn cứ để xác định thực phẩm đó sạch và bản thân người nông dân cũng không tự tin để cam kết cung cấp dài hạn thực phẩm sạch bởi làm thực phẩm sạch cần phải đầu tư cao.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hiếu, cần sự vào cuộc của Chính phủ định hướng, tổ chức giúp doanh nghiệp, người nông dân hay nhà sản xuất sản xuất tập trung, quy mô hơn.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu nhìn ở cấp độ khái quát có 3 việc phải làm: Thứ nhất, xây dựng giá trị chuẩn quốc gia cho bộ, ngành, doanh nghiệp, khi đó mới tạo ra thước đo đúng để nhận diện những cái sai cần loại bỏ. Thứ hai, xây dựng cơ chế tốt bảo vệ tốt lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Thứ ba, xây dựng một đội ngũ cán bộ tốt./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực