Cán cân thương mại 9 tháng xuất siêu gần 17 tỷ USD

Thứ tư, 30/09/2020 19:49
(ĐCSVN) - Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%.
leftcenterrightdel
Cán cân thương mại 9 tháng xuất siêu gần 17 tỷ USD (Ảnh: A.N) 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu chín tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong thành tích chung của hoạt động xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng khi giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng cao với 20,2%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 2,9%) và cao hơn cả tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu, đạt mức 16,99 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trong 9 tháng, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 59,8%). Trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 36,7 tỷ USD. Sau đó là điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép.

Trong 9 tháng năm 2020, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo Bộ Công Thương, EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…

Để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, mới đây, Bộ Công Thương đã công bố Danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2019. Danh sách được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường... Đây là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Từ nay đến cuối năm, để duy trì những kết quả đạt được, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc, tổng hợp Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các Kế hoạch này. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.

Ngoài ra, triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực