Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khi đại dịch tái phát

Thứ ba, 11/08/2020 15:13
(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 quay lại đúng vào mùa cao điểm khiến ngành du lịch Việt Nam chưa kịp hồi phục lại hứng thêm những tổn thất nặng nề. Các doanh nghiệp du lịch trở tay không kịp khi khách hàng liên tục báo hoãn, hủy tour.

Khách liên tục thông báo hoãn, hủy tour

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến cuối tháng 8/2020 tỷ lệ khách du lịch hủy phòng các khách sạn khoảng 90% - 100% ở hầu hết các địa phương. Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 28/7 - 6/8/2020 đã có 32.907 khách hủy tour nội địa. Hà Nội đã có 764 cơ sở trên địa bàn tạm dừng hoạt động. Công suất phòng tại các khách sạn từ 3 sao đến 5 sao chỉ đạt khoảng 18%, tính chung toàn khối khách sạn đạt khoảng 12%. Về tình hình khách tại một số điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố giảm mạnh đến khoảng 75-80% từ khi dịch bùng phát. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, hiện có khoảng 28.000 lao động tạm thời nghỉ việc. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 21 tỷ đồng. Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, gây thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Công ty Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng….

Thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có trên 35.000 chương trình du lịch, bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã bị huỷ. Riêng Công ty Vietravel đã nhận yêu cầu hủy của hơn 20.000 lượt khách, thiệt hại ước tính 90 tỷ đồng.

Theo Giám đốc kinh doanh Tập đoàn SunGroup Trần Thị Nguyện, trong 6 tháng đầu năm 2020, SunGroup mất khoảng 3 triệu lượt du khách, thiệt hại 1 ngàn tỷ đồng. Dự đoán trong tháng 8/2020 mất 1 triệu lượt khách khiến tổn thất kinh doanh lớn không chỉ kéo dài hết 2020, có thể đến tháng 6/2021.

Các địa phương khác như Thừa Thiên - Huế có 1.931 khách hủy tour, thiệt hại về doanh thu khoảng 1.100 tỷ đồng. Bình Định có 85% lượng phòng bị hủy tour. Bà Rịa – Vũng Tàu có 93 đơn vị kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động, đóng cửa... Tỉnh Lâm Đồng, số lượng phòng bị hủy tại Đà Lạt lên đến 16.000 phòng và 4.000 lượt khách hủy tour, con số này dự báo còn có khả năng tăng thêm trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Ngành du lịch Việt Nam chưa kịp hồi phục lại hứng thêm những tổn thất nặng nề khi dịch COVID-19 tái phát. (Ảnh: HL)

Theo Tổng cục Du lịch, dự kiến trong tháng 8/2020, tỷ lệ khách du lịch hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90%. Đây là lần thứ hai trong năm, khách hủy, hoãn tour trên quy mô lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có công suất cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Ninh Bình... tỷ lệ khách du lịch hủy phòng đã đặt hơn 80% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100%. Việc hoàn trả kinh phí cho khách đặt trước là rất khó khăn do kinh phí này cũng đã được doanh nghiệp lữ hành đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến theo chương trình tour. Chính bởi vậy, tình trạng khách hoãn, hủy tour du lịch gây thiệt hại lớn đối với các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch.

Doanh nghiệp mong được chia sẻ

Trong đợt kích cầu du lịch hè 2020, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã giảm giá dịch vụ đến mức không thể thấp hơn và bản thân khách hàng cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, tham gia chương trình kích cầu, doanh nghiệp du lịch mới chỉ đủ khởi động và nuôi dưỡng lại bộ máy, chứ chưa kịp thu lợi nhuận. Chính vì vậy, lúc này rất cần có sự chia sẻ thiệt hại từ cả 2 phía, cả người đi du lịch và người làm du lịch.

Bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc Kinh doanh SunGroup cho biết, Đà Nẵng đang đối diện với dịch bệnh COVID-19 nặng nề nhất, các các sở kinh doanh dịch vụ của SunGroup tại Đà Nẵng đã đóng cửa theo chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền thành phố để cùng nhau chống dịch. Tuy nhiên, SunGroup vẫn có những chính sách hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong việc hoàn tiền và gia hạn vé tham quan.

Bên cạnh đó, hệ thống khách sạn của SunGroup chia làm 2 mảng, những khách sạn do trực tiếp SunGroup quản lý và những khách sạn SunGroup thuê quản lý. Những khách sạn do trực tiếp SunGroup quản lý sẽ thuyết phục khách hàng không hủy và giữ nguyên giá trị đã đặt trước, nhưng nếu khách hàng không thay đổi thì SunGroup sẵn sàng hoàn tiền. Đối với những khách sạn SunGroup thuê quản lý thì phải tôn trọng các tập đoàn quản lý và phối hợp để họ sẵn sàng chia sẻ và đồng hành với khách hàng.

Song song với đó, Tập đoàn cũng lên kế hoạch để làm mới các điểm đến. “Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động bằng những kế hoạch bảo tồn, bảo trì, làm mới khu tham quan, khu vui chơi giải trí, tạo nhiều sản phẩm du lịch mới để khi khách quay trở lại sẽ thấy điểm du lịch mới trong mắt du khách”, bà Nguyện chia sẻ.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó Tổng giám đốc Vietravel, điều mà doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại bởi doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó khăn, cùng với đó là giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp. “Hiện nay, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hủy tour rất lớn, 60 – 80% nhân sự của công ty hiện đang nghỉ không lương”, bà Hòa cho hay.

Trước những tổn thất nặng nề bởi dịch COVID-19, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng mong muốn Chính phủ giảm 50% thuế VAT, giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đến hết năm 2020. Đồng thời tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí điện nước, vốn đã dừng vào ngày 30/6, ít nhất đến hết năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch. Tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới.

Đồng tình đề xuất của ông Cao Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thuỷ đề nghị Chính phủ tạo điều kiện các doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tiền điện, nước, vay vốn, giảm lãi suất, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong ngành Du lịch... Đồng thời, mong muốn các hãng hàng không quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoãn hoặc hủy chuyến.

Một vấn đề nữa đặt ra cho ngành du lịch trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay là giữ chân nguồn lao động chất lượng cao. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh, nhiều lao động chất lượng cao của ngành du lịch đã đi sang ngành khác trong bối cảnh người lao động du lịch bị mất việc làm. Do đó, bà Khánh nhấn mạnh, các hãng lữ hành, công ty, cơ quan quản lý cần có các giải pháp phù hợp để bảo đảm giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch, chuẩn bị cho đợt bùng nổ du lịch khi COVID-19 được kiểm soát, khống chế.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng chia sẻ, lúc này, ngành Du lịch cần kịp thời có kế hoạch phát triển thị trường du lịch để thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Theo đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm công tác phòng, chống dịch an toàn, tổ chức các tour quy mô nhỏ với những nhóm khách đến những địa phương không có dịch. Ngay khi dịch được kiểm soát, ngành Du lịch cần có chính sách quảng bá rộng rãi với nhiều hình thức về các điểm đến an toàn, thực hiện chính sách kích cầu du lịch lần 3 để đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, cũng như kịch bản đón khách quốc tế khi đủ điều kiện./.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực