Cần tăng cường cập nhật diễn biến thị trường trong ngành chăn nuôi

Thứ tư, 24/05/2017 16:47
(ĐCSVN) - Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, kết quả tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã đạt được những kết quả bước đầu. Dù vậy, thực tế diễn biến của ngành chăn nuôi trong thời gian qua đang bộc lộ một số bất cập cần triển khai kịp thời các giải pháp khắc phục.

Nắm bắt nhu cầu thị trường là giải pháp quan trọng để chủ động nguồn cung của ngành chăn nuôi
(Ảnh: BT)

Theo tổng hợp của Cục Chăn nuôi, đối với chăn nuôi lợn, chưa có sự chuyển dịch rõ nét theo định hướng tái cơ cấu. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chăn nuôi đã được cải thiện. Số con cai sữa/nái/năm từ 21-23 con/nái, khối lượng xuất chuồng tăng từ 67,8 kg lên trên 75 kg/con. Nhiều sản phẩm chất lượng cao như: trứng omega, sữa hữu cơ, thịt bò đã được giới thiệu và bán trên thị trường trong nước.

Công tác giống đã có nhiều chuyển biến, các kỹ thuật mới trong quản lý giống và tin học hoá công tác quản lý đã được áp dụng. Xuất hiện nhiều giống vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao như giống bò KoBe, lợn Đan Mạch, bò Bỉ, bò Úc… Đồng thời, các giống bản địa đã được các địa phương đưa vào chương trình bảo tồn, lưu giữ và phát triển, đặc biệt như: gà Đông Tảo, Tiên Yên, gà Hồ, lợn Móng Cái, vịt Vân Đình…Về tái cơ cấu phương thức chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các địa phương trên cả nước triển khai chỉ đạo, thực hiện các giải pháp chính sách, khuyến khích phát triển các hệ thống chăn nuôi thích hợp cho gia súc gia cầm trong các điều kiện chăn nuôi khác với hệ thống chuồng kín, chuồng hở, chăn nuôi trên đệm lót sinh học.

Một trong những hệ thống sản xuất được đánh giá cao và người chăn nuôi ở nhiều địa phương được khuyến khích áp dụng trong hoạt động chăn nuôi là quy trình chăn nuôi VietGAP. Hiện nay, cả nước có hơn 200 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận. Trong đó, có 25 cơ sở nuôi lợn thịt (tổng quy mô 74.550 con/lứa), 38 cơ sở nuôi gà (tổng quy mô trên 21 triệu con/lứa), 2 cơ sở nuôi bò sữa (quy mô 1.220 con/lứa) và 121 cơ sở nuôi ong mật (quy mô 106.450 đàn).

Dù vậy, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, tổ chức sản xuất của ngành vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu liên kết, chưa chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc khủng hoảng giá lợn trong 4 tháng đầu năm 2017 đã bộc lộ rõ sự tồn tại: các hình thức tổ chức sản xuất chăn nuôi còn bị cắt khúc, chưa xây dựng được mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn, gia cầm, chưa gắn với thị trường nên dẫn đến thua lỗ, khủng hoảng và hiệu quả kinh tế thấp.

Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, việc áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp ở hầu hết các cơ sở chăn nuôi quy mô hộ, trang trại và ở đa số doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có ở các tỉnh và thành phố lớn hoặc các lĩnh vực có tính đặc thù cao như chăn nuôi bò sữa, trứng gia cầm áp dụng. Việc khó khăn trong tiếp cận thông tin về chính sách phát triển, ứng phó với thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi là hạn chế lớn, dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Hầu hết người chăn nuôi còn phụ thuộc đầu ra, chủ yếu do các thương lái, người trung gian tiêu thụ.

Cùng với đó, năng suất chăn nuôi thấp so với khu vực và thế giới, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi không đồng đều. Năng suất, chất lượng đàn giống tuy những năm gần đây đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu. Chăn nuôi lợn mới đạt 17-20 con cai sữa/nái/năm, có địa phương đạt được 21-23 con cai sữa/nái/năm; trong khi đó, năng suất sinh sản lợn của Đan Mạch là 31-33 con cai sữa/nái/năm; một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan chỉ tiêu này là 24-26 con cai sữa/nái/năm. Tỷ lệ hao hụt lợn con vẫn còn lớn, từ lúc sơ sinh đến cai sữa 20 - 25%.

Theo Cục Chăn nuôi, để ổn định và thực hiện tái cơ cấu ngành, cần kịp thời triển khai các giải pháp thiết thực. Trong đó, cần tăng cường thông tin, báo cáo, cập nhật tình hình diễn biến thị trường để có biện pháp xử lý thích hợp. Các địa phương chủ động khai thác thông tin và hướng dẫn người chăn nuôi khai thác thông tin trên các trang mạng chính thống và hệ thống thông tin chuyên ngành (trang web www.mard.gov.vn chuyên mục thống kê, thị trường và xúc tiến thương mại; cucchannuoi.gov.vn …). Báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình phát triển chăn nuôi theo mẫu tại văn bản do Cục Chăn nuôi gửi tời các tỉnh. Xem đây là giải pháp rất quan trọng trong phối hợp triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa trung ương và địa phương. Chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp đối với UBND các cấp để tăng cường công tác quản lý thị trường, nắm bắt thị trường, và xử lý kịp thời những phát sinh từ thị trường.

Tổ chức lại sản xuất đối với các công việc như: xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội,… Qua đó, chủ động kiểm soát việc tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với thị trường và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phát triển thị trường trong nước, tham gia vào thị trường điều tiết giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm; thực hiện tốt khâu kết nối và tận dụng mọi cơ hội để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trước mắt, các tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ người dân mở các điểm bán thịt lợn, nhằm giảm chi phí trung gian, giảm thua lỗ cho người chăn nuôi.

Về các biện pháp giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi, cần thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung, cầu thị trường sản phẩm chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tham gia làm trung tâm cho từng vùng, từng khu vực. Liên kết chuỗi sản phẩm là giải pháp quan trọng để giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành, hạn chế nguy cơ dịch bệnh, đồng thời chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm kết hợp kiểm soát khâu trung gian nhằm tăng giá mua cho người chăn nuôi và giảm giá bán cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt dịch bệnh, không bỏ trống chuồng; hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Triển khai các giải pháp để người chăn nuôi có điều kiện duy trì hoạt động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và tiếp tục tái đàn lợn tránh để xảy ra tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn cung trong thời gian tới./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực