Cần tăng cường giám sát quản lý đất đai có nguồn gốc từ công ty nông, lâm nghiệp

Thứ hai, 27/02/2017 19:42
(ĐCSVN) – Cần tăng cường giám sát, rà soát sắp xếp lại đất đai, kịp thời xử lý vi phạm, khắc phục dứt điểm tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, xử lý hài hòa đất nông lâm trường và người dân, có chính sách giải quyết lao động dôi dư sau sắp xếp hợp lý, thực hiện hiệu quả việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững… là những giải pháp cần thiết trong quá trình sắp xếp lại công ty nông, lâm nghiệp.

Hội thảo trao đổi về giải pháp tăng cường giám sát thực hiện hiệu quả tái phân bổ đất lâm trường (Ảnh: HNV)


Đây là thông tin được khẳng định tại Hội thảo về “Dự án xây dựng khung chính sách để thực hiện hiệu quả việc tái phân bổ đất lâm trường ở Việt Nam” với chủ đề: “Quản lý đất đai có nguồn gốc từ Công ty nông lâm nghiệp sau sắp xếp đổi mới: Chính sách và thực tiễn” diễn ra chiều 27/2, tại Hà Nội.

Thực hiện Nghị quyết số 30/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã được thực hiện triển khai tại nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó, nhiều diện tích đất rừng có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh đã được rà soát và lập phương án chuyển trả về cho địa phương quản lý và tái phân bổ cho các hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn và thiếu đất sản xuất. Nhằm thực hiện tốt việc quản lí quỹ đất lâm nghiệp nói trên, Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Nghị quyết 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 để chỉ đạo thực hiện và giám sát.

Nhiều nghiên cứu đã được triển khai nhằm xây dựng khung giám sát và đánh giá công tác quản lý và tái phân bổ quỹ đất hướng tới tăng cường quản lý bền vững và tiếp cận công bằng nguồn đất rừng cho các nông hộ nhỏ, đồng bào dân tộc thiểu số và đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Bình, Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá việc sắp xếp đổi mới còn chậm và nhiều địa phương thực hiện theo kiểu “bình mới rượu cũ”, việc rà soát đất đai chậm và chưa dứt điểm do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và thiếu sự tham gia của các cơ quan hữu quan. Thêm vào đó, tình trạng tranh chấp lấn chiếm vẫn còn tồn tại dai dẳng, việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng, tổ chức sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn cộng với thiếu cơ chế chính sách, thiếu nhất quán đồng bộ dẫn đến những bất cập trong tổ chức quản lý của các công ty lâm nghiệp – một loại hình doanh nghiệp mang tính đặc thù.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, quá trình rà soát và chuyển giao đất rừng không có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan đặc biệt là chính quyền và cộng đồng địa phương, cộng với  các bên liên quan lại không nắm rõ các chính sách dẫn đến nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong thực hiện rà soát, phân định ranh giới đất và giao đất lâm nghiệp cho người dân địa phương. Bởi thế, cần phải rà soát, quy chuẩn lại khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách và đánh giá hoạt động giao đất lâm nghiệp đặc biệt đất của lâm trường.

Vận động áp dụng khung giám sát và đánh giá theo đề án của chính phủ liên quan tới nội dung về tái phân bổ đất lâm trường do đó càng có vai trò quan trọng, góp phần giúp Quốc hội và các cơ quan chính phủ quản lý đất lâm nghiệp hiệu quả và chủ động hơn, giúp đỡ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có quyền tiếp cận tới tài nguyên đất một cách minh bạch và công bằng, từ đó cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo và quản lý bền vững đất rừng.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận xung quanh Dự thảo Đề cương giám sát thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Theo đó, đa số các đại biểu đều đồng tình rằng cần chấm dứt việc giám sát chỉ dừng lại trên việc đọc và nghe báo cáo tại hội nghị, thay vào đó là phải tăng cường giám sát trực tiếp tại hiện trường cũng như tiếp cận số liệu gốc để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Hơn nữa, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chí giám sát, kiểm tra để đảm bảo tính công bằng, khách quan.

Nhân dịp này, đại diện đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình kiến nghị, cần có chế độ chính sách đối với lao động dôi dư và đào tạo nghề sau sắp xếp đổi mới cũng như có chính sách vay vốn đầu tư phù hợp với tính chất đặc thù trong sản xuất kinh doanh của công ty nông, lâm nghiệp. Còn phía Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật tỉnh Gia Lai đề xuất, cần sớm triển khai đề án tăng cường công tác giám sát thực hiện quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường đến nhiều đối tượng có liên quan cũng như có các chính sách điều chỉnh hỗ trợ tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty có diện tích đất rừng tự nhiên đang quản lý và bảo vệ…

Tính đến nay, Bộ NN&PTNT đã tổ chức thẩm định 29/30 phương án tổng thể với 132 công ty với tổng diện tích trước sắp xếp là 1.837.511 ha, tổng diện tích dự kiến giữ lại là 1,481.793ha và trả về địa phương 355.718ha.
Sau khi phương án tổng thể được phê duyệt, các địa phương đã tổ chức thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo báo cáo nhanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiện có 3/3 công ty có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đối với rừng tự nhiên được phê duyệt hình thức duy trì mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước; 43/61 công ty đã được phê duyệt hình thức duy trì mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đã và đang triển khai công tác tái cơ cấu và sắp xếp lại tổ chức để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. (Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp)
 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực