Cần tổ chức thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả

Thứ tư, 28/06/2017 21:04
(ĐCSVN) – Ngày 28/6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Tổ chức thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả”. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo.

Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM đã báo cáo khái quát về “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2016-2020: Thực chất và hiệu quả”. Theo đó, nhận định, tái cơ cấu/cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chính là thay đổi về thể chế kinh tế nhằm cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả nguồn lực nhà nước đầu tư tại DNNN phù hợp hơn với vai trò, chức năng của DNNN trong nền kinh tế. Vì thế, cơ cấu lại khu vực DNNN chính là định vị lại vai trò DNNN, tái cấu trúc quản trị DNNN, tái cấu trúc công nghệ, sản phẩm, dịch vụ cũng như danh mục tài sản nhà nước tại DN.

Hội thảo trao đổi các nội dung để thực hiện cơ cấu lại DNNN hiệu quả và thực chất (Ảnh: HNV)

Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 chỉ rõ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong ba trọng tâm. Còn Chương trình hành động (NQ 27/NQ-CP) của Chính phủ thì nêu mục tiêu rõ là, DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, hiệu quả hơn, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Thời gian qua, nước ta đã tiến hành sắp xếp 240 DNNN, trong đó duy trì 103 DNNN với 28 DN Trung ương và hơn 70 DN địa phương; 31 DN cổ phần sở hữu chi phối và 106 DN cổ phần dưới 50% sở hữu nhà nước. Mặc dầu cổ phần hóa được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu DNNN nhưng từ năm 2016 đến nay, tiến triển cổ phần hóa chậm, chất lượng chưa có dấu hiệu cải thiện; việc bán cổ phần hóa nhà nước tiếp tục gặp khó khăn. Chính sách cổ phần hóa chưa có thay đổi (đến tháng 6/2017), một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi.  Riêng 5 tháng đầu 2017, đã cổ phần hóa 13 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp.

Báo cáo “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2016-2020: Thực chất và hiệu quả” chỉ ra, việc giao, bán, giải thể, phá sản DNNN để giảm gánh nặng cho nền kinh tế nhưng gặp nhiều khó khăn. Về cơ bản, không còn thực hiện giao, bán. Thêm nữa, phá sản DNNN gặp nhiều khó khăn, nói cách khác, số lượng DNNN phá sản rất thấp so với số DN thực chất phải bị phá sản. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là các bên không muốn DN bị phá sản cộng với nhiều hình thức hỗ trợ để tránh phá sản DNNN.

Báo cáo cũng nhận định, quá trình tái cơ cấu đã triển khai nhiều việc nhưng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. Đơn cử, đã cổ phần hóa hàng trăm DN nhưng vốn thu hồi còn thấp, tái cấu trúc quản trị chậm, cơ cấu lại công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chưa rõ nét, hiệu quả sản xuất kinh doanh thậm chí giảm so với các giai đoạn trước đây, đặc biệt, cơ cấu ngành nghề, nguồn lực không thay đổi, chậm đổi mới phương thức quản lý nguồn lực cũng như giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải đẩy mạnh tái cấu trúc quản trị. Theo đó, xây dựng cơ chế quản lý, giám sát theo danh mục đầu tư; hình thành hệ thống thông tin trực tuyến cập nhật thường xuyên, liên tục và kịp thời với từng DN; tổ chức công tác quản lý, cảnh báo rủi ro của DN. Trong công tác quản lý, điều hành DNNN, cần tách người quản lý khỏi chế độ viên chức, công chức, triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi truyển cạnh tranh cũng như đổi mới trong phân công, sắp xếp Tổng giám đốc và Ban điều hành. Vị trí này do Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị bổ nhiệm, thuê và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo hợp đồng lao động. Đáng chú ý là phải tiếp tục cải thiện tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của DNNN.

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cần phải làm rõ vai trò quản trị Nhà nước với DNNN và vai trò quản trị của bản thân DNNN cũng như tránh việc thu hồi nguồn vốn từ chỗ này chuyển sang chỗ khác mà không thực sự phát huy được hiệu quả của nguồn vốn thu hồi.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải nâng cao hiệu quả quản trị của DNNN rồi mới huy động thực hiện các dự án đầu tư. Còn TS Đặng Đức Đam kiến nghị, DNNN cần tập trung cho nhu cầu cấp bách của an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chống quá tải trong y tế, khắc phục ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu… Theo TS Đam, cần xây dựng thể chế quản trị DNNN giúp các đại diện chủ sở hữu làm tốt trách nhiệm của mình. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có thể làm tốt trách nhiệm của mình./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực