Cảnh báo nguy cơ thiếu điện

Thứ tư, 20/01/2010 17:48
Với mức nước xả cao hơn thông thường hàng năm và diễn biến khó lường của thời tiết theo hướng khô hạn hơn, việc cung cấp điện được dự báo là sẽ căng thẳng trong mùa khô 2010.

Theo kế hoạch vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất, dung lượng xả nước từ ba hồ thủy điện là Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà trong 3 đợt xả nước cứu lúa sắp tới sẽ lên tới 3,5 tỷ m3.

Dĩ nhiên, việc xả nước các hồ thủy điện này sẽ gây ra khó khăn cho việc đảm bảo điện trong các tháng mùa khô (nhất là tháng 5 và 6), với dự báo phụ tải có thể tăng trên 16% so với mùa khô 2009, đặc biệt khi kinh tế đang hồi phục, hoạt động của các doanh nghiệp nhộn nhịp trở lại.

EVN cho biết, năm 2010, tăng trưởng phụ tải tiếp tục tăng cao, đặc biệt là nhu cầu điện trong mùa khô. Trong khi đó, cuối năm 2009, nước về các hồ thuỷ điện phía Bắc chỉ đạt khoảng 60% lượng nước về trung bình nhiều năm, thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 2,6 tỷ m3, tương đương khoảng 327 triệu kWh.

Trong khi nguồn cung từ các hồ thủy điện bị suy giảm do nước về thấp và việc xả nước với khối lượng lớn để chống hạn cứu lúa, thì hệ thống điện chưa được bổ sung như kế hoạch. Theo báo cáo mới đây của Tổ kiểm tra các dự án điện trong Tổng sơ đồ VI, trong số 40 dự án nguồn điện đang được triển khai xây dựng, có không dưới 10 dự án đang bị chậm tiến độ từ 3 tháng đến hơn 9 tháng.

Cũng bởi các dự án bị chậm tiến độ xây dựng và trong quá trình chạy thử có những phát sinh ngoài ý muốn này, mà tổng công suất đặt các dự án nguồn điện đưa vào vận hành trong năm 2009 chỉ là 2.116 MW, bao gồm 1.847 MW của các nguồn điện lớn và 269,3 MW của các dự án thủy điện nhỏ. Với tốc độ triển khai các dự án này, năm 2010 sẽ có 3.335 MW được đưa vào.

Những con số trên đã bỏ rất xa con số mà phương án cơ sở đưa ra trong Tổng sơ đồ điện VI là 3.023 MW đối với năm 2009 và 4.747 MW với năm 2010 (không tính tới các dự án thủy điện nhỏ). Bởi vậy, những lo lắng trong cân đối điện cho mùa khô 2010 là điều dễ hiểu.

Nguy cơ mất an toàn hệ thống điện và thiếu công suất vào giờ cao điểm trong hệ thống điện ở miền Bắc cũng được các chuyên gia vận hành đặt vào trạng thái báo động, bởi một số nhà máy nhiệt điện than đã vận hành cao, liên tục trong năm 2009, nên đã có những sự cố. Trong khi đó, việc bổ sung nguồn điện từ miền Nam ra qua đường dây 500 kV lại có những giới hạn về công suất.

EVN, với áp lực tăng mạnh chi phí từ đề nghị tăng giá than mới đây hay phải tăng mua điện từ các nguồn ở nước ngoài, cùng các tổ máy tuabin khí và dầu có chi phí cao hơn hẳn so với nguồn thủy điện, chắc chắn sẽ không quá nhiệt tình với việc này, nhất là khi trong quá khứ, câu chuyện "cắt điện để tránh lỗ" không phải chỉ xảy ra một lần.

Hiện EVN dự kiến tổng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài đạt 97 tỷ kWh, tăng 13% so với năm 2009, trong đó điện mua ngoài là 33 tỷ kWh.

Lẽ dĩ nhiên, gánh nặng cung cấp điện cho nền kinh tế không thể dồn hết trên vai EVN, bởi rất nhiều dự án điện của các chủ đầu tư ngoài EVN đang chậm chễ tiến độ. Trong đó, đáng chú ý là hai dự án nhiệt điện Sơn Động (220 MW) và Cẩm Phả (300 MW) của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản để tăng nguồn cho hệ thống miền Bắc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực