Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn

Thứ năm, 14/11/2019 16:55
(ĐCSVN) – Việc Chính phủ ban hành kịp thời chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được xem là yếu tố quan trọng nhất, thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn ra ngày 14/11 tại Quảng Ninh, Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh, việc thực thi Nghị định 57/2018/NĐ-CP đến nay còn rất nhiều bất cập làm giảm hiệu quả của chính sách. Điển hình như ở cấp địa phương, ngoài việc tuyên truyền thực hiện Nghị định, cấp tỉnh phải ban hành 05 chính sách, hướng dẫn theo đặc thù của địa phương mình.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai Nghị định, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và thực hiện các văn bản hướng dẫn ở cả cấp trung ương và địa phương (Ảnh: PV)

Nghị định 57/2018/NĐ-CP đã có nhiều quy định đặc thù nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như: Doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính; hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm xã hội hóa dịch vụ công; vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn...

Thực tế, việc ban hành các văn bản này đang rất chậm so với yêu cầu của Chính phủ: Chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp; chưa tỉnh nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai (không tính các cơ chế thí điểm cũ); 03/63 tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư; 05/63 tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 04/63 tỉnh ban hành định mức hỗ trợ chi tiết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống đã nhấn mạnh: Các chính sách hỗ trợ đã cơ bản đầy đủ từ chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính, hạ tầng, bảo hiểm, liên kết, tín dụng… nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó số doanh nghiệp nông lâm, thủy sản chiếm trên dưới 1%.

Ngoài ra, việc thiếu nguồn vốn để hiện thực hiện cũng làm giảm hiệu quả của chính sách. Đây cũng là bất cập chung như các đại biểu Quốc hội đã ví những chính sách này là “một loại quả đẹp mà không ăn được”.

Trước đó, ngày 17/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành địa phương triển khai Nghị định theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo tại Hội nghị, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2019, trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản có khoảng 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới.

Lũy kế, tổng số doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay là 9.235 doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản cũng có tốc độ tăng cao nhất – 22,8%.

Các số liệu được nêu trong khuôn khổ Hội nghị đã đủ sức thuyết phục, nói lên rằng hệ thống chính sách của chúng ta còn hạn chế, mà nguyên nhân xuất phát từ cả từ 2 phía: chính sách và thực thi chính sách. Do đó, mỗi cấp chính quyền phải thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao để chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sớm đi vào cuộc sống. Thứ trưởng Võ Thành Thống khẳng định./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực