Chủ động khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá

Thứ năm, 02/05/2019 13:04
(ĐCSVN) - "Nếu chỉ nói đến lợi ích, không nói đến tồn tại và đưa ra giải pháp, ngành sẽ không có điều kiện bứt phá", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang khẳng định.

Sáng 2/5, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức đã diễn ra với các phiên hội thảo, tọa đàm chuyên đề. Trong khuôn khổ Diễn đàn, phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về: “Chủ động khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá”.

Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam vừa trải qua ba tháng đầu tiên thực thi CPTPP – Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao, tự do. Đây là một hiệp định nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. CPTPP là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh nước ta... Dù còn nhiều khó khăn nhưng CPTPP sẽ là động lực, cảm hứng để các doanh nghiệp vượt qua chính mình, hội nhập từ bên trong, cải cách kinh tế Việt Nam sau sự kiện Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo ông Vũ Tiến Lộc, CPTPP mang lại cho các doanh nghiệp Việt nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức khác, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đón đầu và khai thác những lợi thế để phát triển. CPTPP giúp Việt Nam loại bỏ 65% thuế với các loại hàng hóa từ các nền kinh tế thành viên CPTPP. Điều này có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề cập hai câu chuyện nổi cộm đang cản trở các doanh nghiệp. Đó là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn và khả năng vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ, đâu đó còn tình trạng tự làm khó mình với hàng xuất khẩu, tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa nhận được thông tin đầy đủ, vẫn loay hoay tự tìm hiểu. Còn nhiều câu chuyện khác như cơ sở yếu kém, thủ tục hành chính cải thiện nhưng chuyển biến còn mờ nhạt...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh minh bạch, bộ máy nhà nước liêm chính, khách quan. Hiệp định thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phòng chống tham nhũng, quan liêu. “Nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, Hiệp định này giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta thành thị trường sản xuất mới của họ, thúc đẩy hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết.

Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hội nhập mà hiệu quả thấp hay không thấy hiệu quả là lỗi của bộ máy quản lý; cần thay đổi tư duy quản lý, chính sách theo hướng mở; lấy môi trường kinh doanh công bằng, lấy doanh nghiệp là nguyên khí của quốc gia. “Hội nhập không chỉ đặt hàng hóa, dịch vụ vào môi trường cạnh tranh mà cả bộ máy quản lý cũng cần thay đổi, cần vươn lên để đủ sức điều hành”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Tham gia Hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định: “CPTPP là xương sống của ngành Dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng”. Ông Vũ Đức Giang cho rằng, quy hoạch ngành dệt may hiện đã lỗi thời. Hiệp hội đã kiến nghị rất nhiều tới Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian qua. Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất cán cân trong quy hoạch ngành, CPTPP sẽ không mang lại lợi ích. Các giải pháp của Chính phủ, định hướng chiến lược trong tầm nhìn nói chung và các lĩnh vực: dệt may, da giày nói riêng phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng như nước, điện, nguồn lao động, chất lượng lao động...

Chính phủ có vai trò hoạch định chính sách cụ thể, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở. Theo ông Vũ Đức Giang, một số địa phương dị ứng với ngành Dệt may, đặc biệt hóa nhuộm, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Do đó, cần có các giải pháp quy hoạch, nền tảng cho sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam".

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra ba kiến nghị. Đó là, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành Dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may, da giày. Bên cạnh đó, cần có sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững. "Nếu chỉ nói đến lợi ích, không nói đến tồn tại và đưa ra giải pháp, ngành sẽ không có điều kiện bứt phá", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang khẳng định./.

Tin ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực