Chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn ĐBSCL

Thứ sáu, 14/02/2020 16:44
(ĐCSVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Thực trạng này tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
 Xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa: BT)

Các địa phương đang nỗ lực ứng phó với xâm nhập mặn

Từ đầu mùa khô đến nay, trên lưu vực sông Mê Công, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, đặc biệt thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Dự báo, xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao (từ ngày 8/2 đến ngày 16/2/2020) theo kỳ triều cường giữa tháng 1 âm lịch. Đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 4 g/l tại các cửa sông đạt cao nhất.

Chủ động ứng phó với ảnh hưởng của xâm nhập mặn, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Bộ đã cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý, vượt kế hoạch từ 6-13 tháng, đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019 và tháng 1/2020. Cụ thể như: Cống Âu Ninh Quới (hệ thống thủy lợi Quản Lộ- Phụng Hiệp); trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1,…

Các công trình này đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000 ha. Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn như: hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên.

Với các giải pháp chủ động, đến nay, tổng cộng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 khoảng gần 29.700 ha, bằng 7,3% so với tổng cộng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015- 2016 tới 405.000 ha).

Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hiện nay, có tổng cộng khoảng 79.700 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt tại Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An. Hiện các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó, tỉnh Bến Tre đã trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn cho 12/35 trạm cấp nước tại tỉnh để tạo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân; Hải đội Bộ Tư lệnh 2 đã dùng tàu hải quân chở 250 m3 nước ngọt dự trữ cho người dân 3 xã Tân Thủy, An Thủy, An Hòa Tây (huyện Ba Tri) để cung cấp trong các thời gian bị thiếu nước. Tỉnh Sóc Trăng đã mở rộng được 115 km mạng lưới đường ống cấp nước cho khoảng 4.000 hộ dân và sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm 604 km đường ống, hoàn thành sớm trong năm 2020 để bảo đảm cấp nước cho 22.400 hộ dân bị thiếu,…

Cần kịp thời nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng trong mùa khô năm 2019-2020, theo Bộ NN&PTNT, cần theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công và ĐBSCL. Đồng thời, tổ chức đo đạc, theo dõi độ mặn ở các vùng cửa sông, cửa lấy nước vào công trình thủy lợi, trong công trình thủy lợi để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn để thực hiện lấy nước phù hợp.

Cùng với đó, tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép nhằm tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh; khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019-2020.

Về sản xuất nông nghiệp, cần rà soát diện tích vườn cây ăn quả và vườn giống cây ăn quả trong toàn vùng và tại các tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng. Từ đó, hướng dẫn bằng tài liệu, truyền thông trên báo, truyền hình trung ương và địa phương các giải pháp chủ động ứng phó với hạn, mặn.

Đối với nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi để có các giải pháp ứng phó kịp thời; có kế hoạch thả giống phù hợp, không thả giống vào thời điểm khô hạn và xâm nhập mặn. Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước để hạn chế việc thay nước thường xuyên. Hạn chế cho ăn khi độ mặn tăng; chủ động thu hoạch khi thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm trước khi xâm nhập mặn xảy ra.

Để ứng phó với hạn, mặn, về lâu dài, Bộ NN&PTNT đề nghị cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản,...để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn.

Ngoài ra, đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn (trong đó có khu vực ĐBSCL; phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực ĐBSCL./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực