Chuyển biến trong công tác Hội Nông dân ở Đắk Lắk

Thứ ba, 19/03/2019 17:57
(ĐCSVN) – Trong 5 năm qua (2013-2018), các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và triển khai có hiệu quả các phong trào nông dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Hội Nông dân Đắk Lắk thông qua các hội thi, hội diễn nhằm thúc đẩy các phong trào học tập, nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho hội viên

Nâng cao chất lượng tổ chức Hội và hội viên

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Chủ tịch HND tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 15/15 huyện, thị, thành Hội; 184 cơ sở Hội; 2.469 chi Hội; 3.427 tổ Hội. Tổng số hội viên sinh hoạt tại các tổ chức Hội gần 231.000 người, chiếm 80,3% tổng số hộ nông nghiệp, tăng 3,7% so với cuối năm 2012.

Để có được những con số đáng kể trên, thời gian qua, Ban Chấp hành HND tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức HND các cấp, đồng thời làm tốt công tác phát triển, nâng cao chất lượng hội viên gắn với tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Hội.

Cũng theo ông Hùng, trong các năm qua, các cấp HND tỉnh Đắk Lắk thường xuyên rà soát, đánh giá phân loại chất lượng hội viên, đưa những hội viên không tham gia sinh hoạt ra khỏi danh sách hội viên. “Nếu như trong 5 năm (2013-2018), toàn tỉnh kết nạp hơn 70.500 hội viên thì cũng trong 5 năm này, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã giảm, đưa ra khỏi danh sách Hội 43.400 hội viên, đưa tổng số hội viên hiện có của toàn tỉnh gần 231.000 người”- ông Hùng cho biết thêm.

Không chỉ rà soát, đánh giá phân loại chất lượng hội viên, các cấp HND tỉnh Đắk Lắk cũng thường xuyên phân loại, đánh giá hàng năm chất lượng cơ sở Hội. Theo số liệu thống kê của HND tỉnh Đắk Lắk, số cơ sở Hội khá và vững mạnh đều đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội HND tỉnh nhiệm kỳ 2013-2018 đề ra. Cụ thể, năm 2013 có 149 cơ sở Hội vững mạnh, 33 cơ sở Hội khá, 02 cơ sở Hội trung bình; đến năm 2017 có 160 cơ sở Hội vững mạnh, 24 cơ sở Hội khá, không có cơ sở Hội trung bình và yếu kém.

Để tăng cường năng lực lãnh đạo, chuyên môn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Hội, Đảng đoàn, Ban Thường vụ HND tỉnh đã chủ động làm việc với Tỉnh ủy và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy về biên chế, bổ sung kiện toàn cán bộ chủ chốt và tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của HND các cấp đảm bảo hoạt động. Cụ thể, trong 5 năm qua HND tỉnh đã bầu bổ sung 11 Ủy viên Ban chấp hành, 3 Ủy viên Ban thường vụ, 3 phó Chủ tịch và 1 Chủ tịch; HND cấp huyện đã bầu bổ sung 10 Chủ tịch, 14 Phó Chủ tịch; HND cấp xã bầu bổ sung 45 Chủ tịch và 52 Phó Chủ tịch.

Chủ động đồng hành với nông dân

Đắk Lắk là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất Tây Nguyên với hơn 655.000 ha. Trên cơ sở chủ trương đa dạng hóa các giống cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng phát triển các cây công nghiệp chủ lực có thế mạnh của tỉnh như cà phê, tiêu, điều, cao su, bơ, ca cao…những năm qua HND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với hệ thống chính trên địa bàn luôn chủ động, sâu sát, đồng hành với nông dân trong việc lựa chọn giống, ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hợp tác với các đối tác để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm gắn với chế biến, tăng năng suất, chất lượng nông sản cho nông dân.

Với việc tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, đời sống người nông dân trên địa bàn Đắk Lắk gần đây có bước phát triển đáng kể. Đây là nhân tố tích cực, tạo sự ổn định về tình hình và đời sống của bà con nông dân địa phương. Nông dân trong tỉnh ngày càng tin tưởng, phấn khởi hơn trước nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách đối với nông dân, nông thôn, nông nghiệp.

Đóng góp vào sự thành công trong nông nghiệp của tỉnh nói chung và sự ổn đinh, phát triển về đời sống kinh tế, tinh thần của nông dân toàn tỉnh nói riêng có vai trò không nhỏ của hệ thống HND các cấp.

Chứng minh cho nhận định trên, ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng: Trong hầu hết các phong trào nông dân tại địa phương, tổ chức HND luôn ở bên cạnh đồng hành, cổ vũ và hỗ trợ để bà con nông dân mở rộng sản xuất, vươn lên thoát khỏi khó khăn và hướng đến làm giàu.

Đặc biệt, xác định phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào có ý nghĩa quan trọng, nhiều năm qua, HND các cấp đã đứng ra cùng với chính quyền các địa phương phát động, phối hợp triển khai dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú. Hằng năm, HND đã vận động các hội viên đăng ký thi đua đạt danh hiệu nông dân SXKDG; chỉ đạo duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình SXKDG, đồng thời nhân rộng các mô hình, điển hình từ phong trào này.

Vai trò đồng hành càng rõ hơn khi các cấp HND chủ động mở rộng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh; làm tốt vai trò cầu nối để nông dân liên hệ với ngân hàng, các tổ chức tín dụng vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 17.000 hộ nông dân đăng ký các danh hiệu SXKDG, với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng công nghệ cao ngày càng nhiều.

Đặc biệt, hiện toàn tỉnh có hơn 800 trang trại, trong đó có 330 trang trại trồng trọt, 384 trang trại chăn nuôi, 11 trang trại nuôi trồng thủy sản, 3 trang trại lâm nghiệp, 77 trang trại tổng hợp…

Cùng với các mô hình trên, các cấp HND cũng đã phối hợp hỗ trợ, giúp nông dân xây dựng 1.631 mô hình kinh tế hộ, trong đó có 195 mô hình chăn nuôi, 1.419 mô hình trồng trọt, 2 mô hình thương mại- dịch vụ, 15 mô hình sản xuất- kinh doanh tổng hợp.

Một buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê sạch cho người trồng cà phê tại Đắk Lắk, do Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức

Để các mô hình trên hoạt động hiệu quả, các cấp HND thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ; đồng thời tương trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn có thêm điều kiện để vươn lên. Cụ thể, trong 5 năm (2013-2018), các cấp HND đã phối hợp phổ biến và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 175.600 lượt hội viên; giúp 14.042 hộ nghèo và cận nghèo với số tiền 40.880 triệu đồng, 122.470 ngày công, 180.142 cây giống, 17.334 con giống, hơn 300 tấn phân bón các loại…

Không chỉ trong sản xuất kinh doanh, các cấp HND tỉnh Đắk Lắk còn quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, Hội đã vận động 280.000 hộ nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện tốt các quy định của pháp luật… Đặc biệt, trong 5 năm qua, nông dân trong tỉnh đã đóng góp hơn 100 tỷ đồng, hiến 56,6 ha đất, gần 340.000 ngày công… để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

“Qua phong trào, đã khẳng định vai trò của tổ chức HND trong việc vận động hội viên tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xã hội nông thôn bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 19,7%, bình quân đạt 12,68%/xã”- Phó Chủ tịch HND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quang Hùng cho biết./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực