Cơ hội nào cho nông sản Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực?

Thứ hai, 06/07/2020 17:47
(ĐCSVN) - Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được cắt giảm mức thuế đáng kể theo các lộ trình. Đây vừa là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, vừa nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
 Việt Nam cần tận dụng các lợi thế trong EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào thị trường EU (Ảnh minh họa: KL)  

Cam kết mở cửa thị trường nông lâm thủy sản trong EVFTA

Với việc tham gia EVFTA, Việt Nam cam kết cắt giảm mạnh các dòng thuế sẽ tạo cơ hội cho các nước EU xuất khẩu mạnh vào Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế của Việt Nam sẽ dần bị dỡ bỏ, chậm nhất trong vòng 13 năm.

Cụ thể, Việt Nam cam kết mở cửa hạn chế đối với nhóm sản phẩm chăn nuôi, chỉ loại bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với bò, lợn, gà sống nhập khẩu từ EU. Loại bỏ thuế theo lộ trình dài 7-10 năm đối với tất cả các loại thịt bò, lợn, gà tươi hoặc đông lạnh. Với mức bảo hộ khá kỹ này, tác động của EVFTA đối với ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ được cho là sẽ không quá đột ngột và ngành sẽ có khoảng thời gian tương đối dài để điều chỉnh, thích ứng với cạnh tranh.

Đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, gỗ, nguyên liệu đầu vào sản xuất khác như: phân bón, thuốc trừ sâu, mức thuế của Việt Nam đang áp dụng không cao, nên việc cắt giảm về 0% khi EVFTA có hiệu lực thì mức độ ảnh hưởng sẽ không nhiều. Tương tự, đối với các loại máy móc nông nghiệp, mức thuế hiện hành đối với nhập khẩu duy trì ở mức thấp (dưới 5% là phổ biến) sẽ cắt giảm 0%, nên cũng không có tác động lớn.

So với EU, mức cam kết thuế quan mà Việt Nam đưa ra trong EVFTA đối với nhóm rau quả từ EU là khá chặt. Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 17 dòng thuế rau quả và chế phẩm rau quả (tương đương 5,94%); xóa bỏ tất cả các dòng thuế thuộc nhóm sản phẩm này trong vòng từ 6-8 năm; không duy trì bất kỳ biện pháp hạn ngạch nào với nhóm sản phẩm này.

Đối với EU, có nhiều cam kết mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam. Với sản phẩm thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm. Đối với cá viên, EU dành hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam là 500 tấn/năm. 

Với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.

Với các sản phẩm khác, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 30.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm), 400 tấn tỏi, 350 tấn nấm mỗi năm.

Hầu hết các sản phẩm thô và nguyên liệu, EU đang duy trì mức thuế thấp dưới 10% hoặc thuế đang áp dụng bằng 0%, sẽ cắt giảm ngay năm đầu tiên.

Cơ hội nào cho nông sản Việt Nam?

Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan.

Với gạo, khi EU tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định, nhưng EU yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm cao.

Với sản phẩm rau quả, cơ hội cho Việt Nam tương đối cao khi nhu cầu thị trường lớn, mức độ giảm thuế sâu (từ 6-30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng từ 1-6 năm). EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa,…).

Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN (nguyên tắc tối huệ quốc) trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam.

Cà phê là mặt hàng có cơ hội cao với EU, đặc biệt dư địa giảm thuế của cà phê rang và hòa tan tương đối lớn. Dù vậy, ngành chế biến cà phê trong nước còn hạn chế, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chủ yếu là doanh nghiệp FDI, tiềm năng và cơ hội chưa được doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa, vì vậy, với mặt hàng này vẫn còn là dư địa lớn để nắm bắt. Tiêu, điều có cơ hội khá cao với EU, tuy nhiên yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm, xu hướng về tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu khác đi kèm sẽ tăng lên.

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 1,25 tỷ USD, chiếm khoảng 15% xuất khẩu thủy sản của cả nước. Với EVFTA, thuế nhập khẩu giảm làm tăng thêm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Với EVFTA, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội tiêu thụ đa dạng hơn các sản phẩm thịt, sữa từ EU, một số sản phẩm trái cây ôn đới, thủy sản mà Việt Nam không có. Bên cạnh đó, thực hiện các cam kết với EU sẽ tạo áp lực và cơ hội để Việt Nam cải thiện năng lực quản trị, môi trường kinh doanh, các quy trình thủ tục trong nước, các điều kiện về thương mại và hậu cần,... Từ đó, mở ra cơ hội đầu tư, đặc biệt vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém như: công nghệ cao trong nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư.

Đây là những cơ hội, lợi thế mà Việt Nam cần tận dụng để thực hiện hiệu quả hiệp định EVFTA, giúp tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU, đồng thời, ngày càng nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực