Công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2017

Thứ tư, 04/04/2018 15:28
(ĐCSVN) - Kết quả phân tích dữ liệu thống kê hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017 cho thấy một số xu thế tích cực. Cải thiện được ghi nhận ở 5 trong số 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, gồm: Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.
 

Buổi lễ thu hút nhiều đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. (Ảnh: HNV)

Đây là những thông tin được công bố tại Lễ Công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2017 (PAPI 2017) ngày 04/4/2018, tại Hà Nội.

Đặc biệt, năm 2017 chứng kiến sự gia tăng về điểm ở chỉ số lĩnh vực Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm năm 2017. Mức gia tăng này có ý nghĩa đáng kể bởi nếu so với kết quả năm 2013, thì chỉ số này liên tục giảm qua các năm cho tới 2017 mới có dấu hiệu cải thiện. Bên cạnh đó, kết quả phân tích dữ liệu cũng cho thấy khoảng cách về giới trong việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thu hẹp hơn, và tỉ lệ người dân có bảo hiểm y tế cũng gia tăng so với năm 2016.

Đánh giá về chỉ số PAPI, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sau 7 năm liên tiếp được triển khai trên 63 tỉnh, thành với khoảng 14.000 người trả lời khảo sát mỗi năm, PAPI đã trở thành công cụ hữu ích phản ánh sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của người dân về hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền. Đây cũng là một trong những chỉ số được coi là căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành, địa phương đồng thời gợi ý chính sách quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển, xây dựng nhà nước kiến tạo, lấy việc phục vụ nhân dân và doanh nghiệp là sứ mệnh trọng tâm.

Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: HNV)

Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên tham gia điều tra, nghiên cứu và tư vấn chính sách về chỉ số PAPI sẽ góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý điều hành của các chính quyền địa phương từ Trung ương đến địa phương đồng thời phù hợp với tiến trình và nỗ lực chung vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” cũng như xây dựng một Chính phủ liêm chính, sáng tạo và phát triển.

Theo Báo cáo PAPI 2017, ngoài những điểm sáng và thay đổi tích cực, năm 2017 vẫn ghi nhận một số vấn đề đáng lo ngại. Trong lĩnh vực quản trị đất đai, mức độ hài lòng của người dân với giá bồi thường thu hồi đất tiếp tục giảm, cho dù đã ở mức thấp trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tinh thần lạc quan về triển vọng kinh tế hộ gia đình trong nhóm những người có thu nhập thấp giảm sút trong năm 2017. Mức độ hài lòng của người dân với điều kiện kinh tế hộ gia đình có ý nghĩa quan trọng bởi mức độ hài lòng với điều kiện sống của cá nhân hoặc gia đình tác động lớn tới mức độ hài lòng với quản trị và hành chính công của người dân.

Đáng chú ý, trong những năm qua, PAPI tìm hiểu những vấn đề người dân cho là đáng quan ngại nhất cần Nhà nước ưu tiên giải quyết. Phát hiện của nghiên cứu cho thấy, đói nghèo vẫn là mối quan ngại lớn nhất qua nhiều năm. Từ năm 2015 đến nay, ô nhiễm môi trường cũng đang nổi lên vấn đề rất đáng quan ngại. Kết quả phân tích dữ liệu dưới đây nêu bật mối quan hệ giữa hai vấn đề này bằng việc xem xét sự lựa chọn của người dân giữa bảo vệ môi trường, giảm nghèo và phát triển kinh tế. Nhìn chung, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao, không sẵn sàng đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Nhiều người cho biết họ sẵn sàng trả thêm thuế để đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Báo cáo PAPI 2017 cũng tập trung phân tích hai vấn đề đang nhận được quan tâm lớn ở Việt Nam: sự phát triển của chính quyền điện tử và tăng cường tiếp cận thông tin cho người dân. Trong 10 năm qua, chính quyền các cấp đã và đang đầu tư nhiều cho cải cách hành chính và điện tử hóa các kênh trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân bằng việc thiết lập cổng thông tin điện tử. Năm 2016, Quốc hội đã phê chuẩn ban hành Luật Tiếp cận thông tin, một cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân với nhiều loại tài liệu và thông tin của cơ quan Nhà nước. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy tỉ lệ người dân biết đến Luật Tiếp cận thông tin còn rất thấp và các trang thông tin điện tử của chính quyền ít khi được sử dụng (người dân vẫn tiếp tục dựa nhiều vào các mối quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin).

Điểm số chỉ số nội dung PAPI trung bình qua các năm 2011-2017

Chỉ số PAPI cấp tỉnh được đo lường qua các chỉ tiêu cấu thành 6 chỉ số nội dung về quản trị và hành chính công. Nhìn chung, năm 2017, không tỉnh/thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở tất cả 6 chỉ số nội dung. Quảng Bình, Bến Tre và Bạc Liêu thuộc về nhóm 5 trong 6 chỉ số nội dung (mặc dù vậy, Bạc Liêu vẫn thuộc nhóm các tỉnh/thành phố đạt điểm trung bình thấp ở chỉ số nội dung Trách nhiệm giải trình với người dân). Điều đáng lưu ý là còn có khoảng cách rất lớn giữa điểm PAPI cao nhất cấp tỉnh (39,52 điểm) so với điểm tối đa mong đợi (60 điểm), trên thang điểm PAPI tổng hợp từ 10-60 điểm. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa địa phương có điểm số cao nhất và địa phương có điểm số thấp nhất còn tương đối lớn (39,52 điểm so với 33,09 điểm). Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phục vụ nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân.

Báo cáo PAPI 2017 cũng so sánh mức độ thay đổi qua hai năm 2016 và 2017 của nhiệm kỳ Chính phủ giai đoạn 2016-2021 hiện nay. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong các báo cáo PAPI thường niên, Báo cáo PAPI 2017 trình bày hồ sơ PAPI của 63 tỉnh/thành phố nhằm cung cấp tới lãnh đạo, cán bộ, công chức các tỉnh/thành phố bức tranh toàn cảnh về những tiến bộ đã đạt được và những vấn đề cần tiếp tục cải thiện để người dân hài lòng hơn.

So sánh kết quả năm 2016 và năm 2017 cho thấy, không có tỉnh/thành phố nào trong toàn bộ 63 tỉnh/thành phố giảm sút so với kết quả năm 2016. Có 7 tỉnh/thành phố tăng điểm đáng kể. Điểm PAPI tổng hợp của Bạc Liêu, Quảng Ninh và Trà Vinh tăng nhiều nhất (trên 8% điểm), trong đó Bạc Liêu có mức gia tăng ấn tượng nhất năm 2017. Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và An Giang cũng tăng điểm đáng kể. Khi so sánh kết quả của nhóm đạt điểm cao nhất năm 2016 với năm 2017, 11 trong số 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất năm 2016 vẫn thuộc về nhóm này trong năm 2017: Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bến Tre và Cần Thơ. Bắc Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng và Đồng Tháp, thuộc về nhóm đạt điểm trung bình cao; Hưng Yên thuộc về nhóm đạt điểm trung bình thấp năm 2017.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Từ năm 2009 đến 2017, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 103.059 người dân trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ số PAPI đo lường sáu lĩnh vực nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công. Khảo sát PAPI đã được triển khai thực hiện thường niên từ năm 2011 đến nay. Báo cáo Chỉ số PAPI 2017 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.097 người dân được chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.

Chỉ số PAPI 2017 là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).

Chương trình nghiên cứu PAPI được Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ chính từ năm 2011 đến 2017; Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ chính cho PAPI từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 6 năm 2021; Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam năm 2018; Liên Hợp quốc và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc từ năm 2009 đến nay. 
Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực