Công điện khẩn của Bộ Giao thông Vận tải về ứng phó cơn bão số 6

Chủ nhật, 10/11/2019 19:20
(ĐCSVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Công điện khẩn số 45/CĐ-BGTVT về ứng phó cơn bão số 6 tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.

 

Các tàu thuyền của ngư dân Phú Yên được neo đậu tại các khu vực kín gió
để tránh bão số 6 (Ảnh Đình Tăng).


Theo đó, công văn của Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục: Hàng hải VN, Hàng không VN, Đường sắt VN, Quản lý XD&CLCTGT, Đường thủy nội địa Việt Nam; Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam;Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam; các Tổng công ty: Hàng hải VN, Hàng không VN, Đường sắt VN; Cục Quản lý đường bộ II, III và IV; các Sở GTVT: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng chủ động ứng phó với cơn bão số 6.

Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, vào hồi 07 giờ ngày 06/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 310km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm về phía Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 07/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 330km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh, từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: phía Bắc vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm về phía Nam, sau có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 08/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 260km về phía Đông Băc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thên tai cấp 3.

Để chủ động ứng phó với Cơn bão số 6 và diễn biến phức tạp của mưa bão trong những ngày tới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:

1. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của Cơn bão số 6 trên các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn, diễn biến tình hình thời tiết, thông tin kịp thời để chủ động trong công tác phòng tránh.

2. Đài thông tin Duyên hải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của Cơn bão số 6, thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

3. Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải hướng dẫn tàu thuyền khi rời cảng biết tình hình và hướng di chuyển của Cơn bão số 6 để các tàu biết khi hành trình không đi vào vùng nguy hiểm, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra. Chỉ đạo Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam điều động các tàu SAR đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.

4. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Công tác khắc phục hậu quả mưa, bão và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công dưới nước, các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất. Tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu... để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất. Chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ II, III và IV chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở... kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ.

5. Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước... Chỉ đạo các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa, bão và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.

6. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đôn đốc các đơn vị Quản lý đường thuỷ nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, bão gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu trong và sau mưa, lũ ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia.

7. Các Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị Quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt... tiến hành khắc phục sự cố do mưa, bão gây ra tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hoá... ngay khi bão tan.

Tại Công văn, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Giao thông vận tải theo số Fax: 024.39421242, ĐT: 024.39410235, Mobile: 090.3474737 và Email: banpclb@mt.gov.

KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực