Đắk Lắk khắc phục sạt lở hệ thống đê bao chống lũ

Thứ tư, 13/09/2017 16:06
Đê bao Quảng Điền được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2013 nhằm mục tiêu chống lũ tiểu mãn, lũ đầu mùa, phục vụ hiệu quả phát triển nông nghiệp cho 3 xã: Bình Hòa, Đur Kmăn, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Tuy nhiên hiện nay, tuyến đê bao này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Đê bao chống lũ Quảng Điền bị sạt lở, gây mất an toàn trong mùa mưa.
Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Theo tìm hiểu của phóng viên, hệ thống đê bao Quảng Điền được xây dựng từ năm 2009 với chiều dài 44,7km, bề rộng mặt đê, bờ bao 3m. Ðây là công trình thủy lợi cấp IV do Ủy ban Nhân dân huyện Krông Ana làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 312 tỷ đồng; trong đó vốn Trái phiếu Chính phủ là 263 tỷ đồng.

Đê bao Quảng Điền được đưa vào sử dụng đã khắc phục được sự cố ngập úng do lũ tiểu mãn và lũ đầu mùa bảo vệ gần 2.000 héc ta lúa nước, cấp nước tưới kết hợp phát triển thủy lợi, giao thông nội đồng, phát triển nông thôn của 3 xã vùng sâu Bình Hòa, Đur Kmăn, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp.

Hiện nay, nhiều đoạn trên dọc tuyến đê bao bị nước thấm làm sạt lở nhiều đoạn mái taluy kéo dài hàng trăm mét, mặt đê bị rạn nứt, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Cụ thể, tại khu vực cầu Sắt đến cống tiêu C10 dọc theo suối Krông Diêk, xã Dur Kmăl bị sạt lở cả mái taluy dài 300m; tại cầu Bàu Gai 2, xã Bình Hòa bị sạt lở dài 100m.

Đặc biệt, trên địa bàn xã Quảng Ðiền có 12km tuyến đê bao đi qua nhưng có đến 26 điểm sạt lở nghiêm trọng, như tại khu vực trạm bơm T22 đến đồi ông Thêm dọc theo sông Krông Ana bị sạt lở dài 500m; khu vực cầu Ðiện Bàn đến núi 4 dọc suối Krông Diêk bị sạt lở 800 m; khu vực từ cống ông Lương dọc theo suối Krông Diêk bị sạt lở 150 m.

Ông Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Krông Ana cho biết, hệ thống đê bao Quảng Ðiền được thiết kế nhằm chống lũ tiểu mãn, chỉ ngập nước trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, 2 đợt lũ kéo dài vào cuối năm 2016 khiến đê bị ngập sâu trong nước từ 1,5 đến 2m, trong thời gian 20 ngày. Do bị ngập nước lâu ngày nên đất trong lòng đê bị bão hòa, trở nên trạng thái dẻo chảy, nên khi nước rút gây mất đất chân mái taluy đê, từ đó dẫn đến sạt lở, mái ta luy.

Ngoài ra, do tình trạng khai thác cát trên sông Krông Ana diễn ra trong một thời gian dài đã làm thay đổi dòng chảy một số đoạn, nước sông ăn sâu vào đất liền gây sạt lở bờ sông, làm sạt lở chân đê bao.

Bà Trần Thị Màu, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana cho biết, trước đây khi chưa có đê bao Quảng Điền gia đình chỉ trồng được một vụ lúa nước, năng suất từ 5 đến 6 tấn/ha. Nhiều năm lũ về sớm khiến hàng ngàn hec ta lúa của gia đình bà và các hộ dân bị ngập úng, mất trắng. Từ khi có đê bao Quảng Điền và hệ thống kênh mương nội đồng gia đình bà Màu đã tự chủ động được nguồn nước trồng lúa 2 vụ, năng suất bình quân đạt từ 8 đến 10 tấn/ha. Bà Màu mong các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk sớm khắc phục sụt lún đê bao Quảng Điền để người dân yên tâm lao động, sản xuất. 

Để khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng đê bao Quảng Điền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã chỉ đạo các ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Ana kiểm tra, khắc phục sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền.

Ông Võ Đại Huế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Ana cho biết, việc sữa chữa đê bao Quảng Điền là hết sức cấp bách, nhằm tránh hiện tượng hư hỏng kéo dài, đặc biệt trong mùa mưa lũ 2017 sắp đến. Ủy ban Nhân dân huyện đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát lại các điểm sạt lở. Ủy ban Nhân dân huyện cũng đã kiến nghị tỉnh Đắk Lắk sớm hỗ trợ 5 tỷ đồng để khắc phục sạt lở và 2,5 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng đê bao hàng năm.

Hệ thống Đê bao Quảng Điền ngoài việc chống lũ hiệu quả, đây còn là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ đồng bào các dân tộc vận chuyển vật tư, lương thực, nông sản.

Vì vậy, các ngành chức năng tỉnh Ðắk Lắk cần sớm sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê bao để bảo vệ diện tích sản xuất, hoa màu, tài sản cũng như bảo đảm an toàn cho người dân. Đặc biệt, địa phương cần có biện pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Ana để không làm sụt lún bờ sông, ảnh hưởng đến thân đê bao chống lũ./.

Phạm Cường/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực