Đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa bão

Thứ ba, 07/07/2020 17:00
(ĐCSVN) - Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, hàng đầu trong 6 tháng cuối năm 2020 là đảm bảo an toàn ở mức cao cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão. Đồng thời, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến mưa, lũ để kịp thời ứng phó.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ đầu năm 2020 đến nay, trên cả nước đã xảy 16 loại hình thiên tai. Trong đó, gồm: 186 trận dông, lốc, mưa lớn trên 43 tỉnh, thành phố; tình hình mưa đá và giông lốc đặc biệt bất thường, kéo dài và trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 1 cơn bão trên Biển Đông. Đồng thời, hạn hán, xâm nhập mặn ở mốc cao trong lịch sử; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Tính chung, 6 tháng đầu năm 2020, thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 3.383 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Gia cố đê đề phòng nước lũ dâng cao. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm, với tình hình thiên tai diễn ra phức tạp, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các địa phương nghiêm túc triển khai nhanh chóng, hiệu quả một số các biện pháp. Cụ thể, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả dông lốc, mưa lớn, mưa đá tại miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, trong công tác quản lý đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã hướng dẫn các địa phương đánh giá hiện trạng công trình trước lũ năm 2020. Tổ chức họp trực tuyến để các địa phương báo cáo đánh giá hiện trạng và phương án bảo vệ.

Bên cạnh đó, công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai tiếp tục được triển khai trong hầu hết các lĩnh vực. Công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ quản lý, giám sát chất lượng được rà soát điều chỉnh bổ sung. Đồng thời, đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành việc chấp thuận áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài đối với công trình phòng, chống lũ bùn đá, gỗ trôi của Nhật.

Trong công tác phòng ngừa thiên tai, hiện, toàn ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu và hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phòng, chống thiên tai. Cụ thể như: bản đồ theo dõi bão, áp thấp nhiệt đới, bản đồ sạt lở, hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam...Cùng với đó, lắp đặt 56 camera ở các vị trí xung yếu, kết nối 105 camera giám sát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn. Tích hợp 67 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên cả nước; hơn 1.789 trạm đo mưa tự động cảnh báo mưa theo ngưỡng và theo thời gian thực. 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn đổ bộ vào đất liền. Bão muộn, cường độ lớn, dịch chuyển vào phía nam là khu vực có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm phòng, chống bão hạn chế; nhiều công trình phòng, chống thiên tai như đê điều, hồ đập xuống cấp... Đây là những thách thức không nhỏ trong công tác phòng, chống thiên tai trong 6 tháng cuối năm.

Trên cơ sở nhận định tình hình, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, hàng đầu trong 6 tháng cuối năm 2020 là đảm bảo an toàn ở mức cao cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão. Đồng thời, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh; bảo vệ công trình đê điều, hồ đập xung yếu. Tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành chuẩn bị phương án, sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Trong đó, về công tác đê điều, sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, đặc biệt lớn. Tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu bảo dưỡng đê; đánh giá hiện trạng và xác định các trọng điểm xung yếu.

Đẩy mạnh hoạt động của đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai; làm tốt công tác huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho công tác ứng phó khẩn cấp và phòng chống thiên tai. Xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng chống thiên tai, đê điều. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành.

Để triển khai công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả, Tổng cục Phòng chống thiên tai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ cung cấp các cơ sở dữ liệu để đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ phù hợp… Bố trí nguồn vốn trung hạn để nâng cấp các vị trí đê điều xung yếu. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở dữ liệu, trang thiết bị chuyên dùng thiết yếu phục cho Ban Chỉ đạo thực thi chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực