Đánh thức vùng đất khô hạn

Thứ năm, 23/03/2017 09:30
(ĐCSVN) – Có nước, những vùng đất khô cằn, bạc màu đã được phủ kín màu xanh của lúa, của thanh long… Nước dẫn đến đâu, lúa, thanh long phát triển đến đó, giúp đời sống người dân các địa bàn khô hạn của Bình Thuận ngày càng đi lên.

Công nhân thi công tuyến kênh tiếp nước lòng sông Đá Bạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Ảnh: Thành Long

Thời gian qua, nhiệm vụ phát triển thủy lợi luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa XII) đã đặt ra nhiệm vụ phát triển thủy lợi cho 5 năm tới:, đó là “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình quan trọng, thiết yếu; trước hết là các công trình thủy lợi, giao thông,... với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh căn bản đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt”.

Để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển thủy lợi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 23/07/2013 về lãnh đạo phát động sâu rộng phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ. Triển khai các chủ trương trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã tham mưu và UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch làm căn cứ đầu tư, hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Đề án phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2812/QĐ-UBND ngày 06/12/2010 nhằm định hướng cho việc lập quy hoạch, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về công tác phát triển thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh; quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định phê duyệt số 410/QĐ-UBND ngày 18/02/2013).

Với quy hoạch phát triển thủy lợi, tỉnh đã đề ra 04 giải pháp phát triển thủy lợi: Bổ sung công trình tạo nguồn mới chủ yếu là hồ chứa nước tại chỗ, đặc biệt quan tâm cấp nước cho vùng ven biển; nối mạng chia sẻ nguồn nước bằng các tuyến kênh chuyển nước lưu vực; nâng cao năng lực hệ thống hiện có (nâng cấp các hồ chứa, kiên cố hoá hệ thống kênh mương); áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi mùa vụ cây trồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng (bao gồm 21 hồ chứa nước; 35 đập dâng; 18 trạm bơm; 04 hệ thống kênh chuyển nước lưu vực); tổng năng lực tưới thiết kế 70.360 ha; tổng năng lực tưới thực tế trong những năm thời tiết bình thường là 48.706 ha, đạt 15,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Giai đoạn 5 năm từ 2011 -2015 và tính đến thời điểm này, đầu tư phát triển thủy lợi của Bình Thuận tập trung vào các công trình trữ nước tạo nguồn và hệ thống kênh nối mạng thủy lợi với kết quả: Dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết, hệ thống thủy lợi Tà Pao, hồ Sông Dinh 3, hồ Sông Móng, hồ Phan Dũng...

Công trình Cấp nước khu Lê Hồng Phong được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 622/QĐ-UBND ngày 04/3/2009 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số: 2123/QĐ-UBND ngày 16/9/2010. Công trình có nhiệm vụ cấp nước sản xuất cho 1.000 ha đất canh tác; đồng thời cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch nhằm phát triển dân sinh - kinh tế và khai thác tốt nhất tiềm năng tuyến du lịch Hồng Phong - Hòa Thắng; Cải tạo môi trường sinh thái và hạn chế tình hình sa mạc hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội các xã Hòa Thắng, Hồng Phong (huyện Bắc Bình). Công trình có tổng mức đầu tư 395.146 triệu đồng. Hiện tại, 02 đầu mối trạm bơm đã vận hành chạy thử và đang trong giai đoạn hiệu chỉnh để chính thức nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định. Về 03 gói thầu xây lắp tuyến kênh chính Tây đang hoàn thiện các công việc phụ, đã hoàn thành tuyến kênh 19,85/21,85 (km).

Có nước, những vùng đất khô cằn, bạc màu đã được phủ kín màu xanh của lúa, của thanh long… Nước được dẫn đến đâu, lúa, thanh long phát triển đến đó, đời sống người dân trong tỉnh ngày càng đi lên. Tương lai không xa, khi nông nghiệp phát triển, sẽ kéo theo công nghiệp, thương mại, du lịch của tỉnh ngày một đi lên./.  

Tô Thành Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực