Dấu ấn 10 năm Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Thứ sáu, 27/03/2020 08:49
(ĐCSVN) – Sau 10 năm thành lập (26/3/2010-26/3/2020), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực.
 Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam. (Ảnh:mt.gov.vn).

Cách đây 10 năm, ngày 26/3/2010 Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở Cục Đường bộ Việt Nam nhằm tăng cường trách nhiệm vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông vận tải trong giai đoạn mới của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Ra đời trước sự đòi hỏi của thực tế phải phát triển giao thông vận tải đường bộ hợp lý, đồng bộ và bền vững, trong cả quá trình hoạt động, Tổng cục đã đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực.

Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đường bộ

Giai đoạn 2010-2020, Tổng cục đã xây dựng nhiều đề án chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chiến lược phát triển giao thông nông thôn đã định hướng mục tiêu phát triển về vận tải và kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sông khu vực nông thôn bao gồm hệ thống đường huyện, đường xã, đường thôn, đường giao thông nội đồng, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ.

Để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc phù hợp với định hướng của Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020, Tổng cục đã triển khai công tác lập điều chỉnh Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016.

 Hệ thống đường ven biển. (Ảnh: drvn.gov.vn).

Bảo đảm tính đồng bộ trong công tác quy hoạch, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ và đường cao tốc, Tổng cục đã tham mưu, trình Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT các vùng kinh tế trọng điểm: Bắc bộ, miền Trung, phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng cục cũng đã triển khai xây dựng, báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam.

Theo Quy hoạch, hệ thống đường bộ ven biển Việt Nam được hình thành trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ do Bộ GTVT quản lý và đường địa phương do các địa phương quản lý; tuyến đường bộ ven biển bắt đầu tại cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc thuộc địa phận xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tới cửa khẩu Hà Tiên, thuộc địa phận thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với chiều dài khoảng 3.041 km.

Trên cơ sở quy hoạch, Bộ GTVT và các địa phương đã và đang triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng như: Đường hành lang ven biển phía Nam, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná, đường ven biển đoạn nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn…; chuẩn bị các thủ tục để đầu tư xây dựng các dự án đường ven biển Hải Phòng -Thái Bình,  đường ven biển Thái Bình, đường ven biển Nam Định…

Góp phần giảm sâu tai nạn giao thông

Một trong những thành tựu nổi bật của Tổng cục đó là thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, góp phần giảm sâu tai nạn giao thông hằng năm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt, năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp số người thương vong do tai nạn giao thông giảm và là năm giảm sâu nhất trong vòng 20 năm qua.

Có được kết quả nổi bật trên là do nhiều giải pháp thực hiện phối hợp, một trong những công tác được đánh giá cao là xử lý các “điểm đen” về tai nạn giao thông trong toàn quốc. Tổng cục đã đầu tư công sức nghiên cứu, triển khai xây dựng nhiều đường cứu nạn thích hợp ở những cung đường nguy hiểm, nơi từng xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc; triển khai nhiều biện pháp cảnh báo an toàn tác động trực tiếp vào kỹ năng cũng như tâm lý người điểu khiển phương tiện giao thông. Điển hình là xây dựng thêm nhiều đường cứu nạn có độ dốc và độ nhám cao ở khu vực đèo Lò Xo - nơi nổi tiếng về các vụ tai nạn thảm khốc trước đây, lắp đặt hệ thống cảnh báo, phòng hộ, ngăn chăn tai nạn ở Dốc Cun, đèo Thung Khe trên QL6; tại lý trình Km100 QL43B, QL12A (cửa khẩu Cha Lo)...Thực tế cho thấy những đường cứu nạn này đã “cứu” được khá nhiều xe tải trọng lớn, xe contener thoát khỏi tai nạn thảm khốc. Ở những vị trí này hai năm gần đây gần như không xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra.

Từ năm 2010 đến nay, trên quốc lộ, Tổng cục đã xử lý 1.216 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; sơn kẻ 5.630.000 m2 vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 46.285 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung 910 km hộ lan phòng hộ; xây dựng 54 đường cứu nạn, hốc cứu nạn góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả nước, được người dân đánh giá cao.

Đột phá trong quản lý bảo trì đường bộ, tổ chức lại hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Tổ chức lại thiết chế quản lý bảo trì, tách bạch quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công. Đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp làm công tác bảo trì và tổ chức đấu thầu rộng rãi, kể cả qua mạng; phát triển vật liệu mới trong sửa chữa đường, v.v. Đó là những bước đột phá trong quản lý bảo trì đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống đường bộ, tiến kiệm cho ngân sách nhà nước.

Nhờ những giải pháp đột phá của Tổng cục, từ Quý I/2015 đã đấu thầu thành công các gói duy tu, bảo dưỡng tất cả các tuyến quốc lộ, hợp đồng thực hiện từ 2015 – 2017, đã tiết kiệm được 97 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Từ Quý 1 năm 2018, Tổng cục tiếp tục đấu thầu rộng rãi 100% tuyến quốc lộ để thực hiện hợp đồng duy tu từ 2018 đến 2020, tiết kiệm được 91,8 tỷ cho ngân sách.

Đến nay, toàn bộ công tác bảo trì quốc lộ đã được tổ chức đấu thầu rộng rãi (trừ sửa chữa đột xuất do bão lũ và trường hợp đặc biệt được chỉ định theo Luật Đầu tư). Đặc biệt, năm 2018 Tổng cục đã tổ chức đấu thầu qua mạng 50% số gói thầu (trong khi Bộ GTVT chỉ quy định 30%), từ 2019 hầu hết các gói thầu được đấu thầu qua mạng.

Tổng cục đã xây dựng và ứng dụng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, phối hợp xây dựng và đưa vào áp dụng chính thức phần mềm giải quyết các thủ tục hành chính đối với 65 thủ tục hành chính lĩnh vực vận tải quốc tế trên cổng thông tin một cửa quốc gia; triển khai áp dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục về cấp giấy phép kinh doanh vận tải, cấp đổi phù hiệu, biển hiệu. Tổ chức rà soát định kỳ 6 tháng/lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với số tuyến hàng năm tăng cao. Năm 2015, số lượng tuyến là 4.635 tuyến; đến năm 2019 là 10.588 tuyến, tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2015.

 Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện thị sát bến xe dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. (Ảnh:KC).

Thực hiện việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh vận tải nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86. Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn, đặc biệt là công tác khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; chỉ đạo việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm xe hoạt động trá hình tuyến cố định, “xe dù, bến cóc”. Chỉ đạo các địa phương tổ chức vận tải hành khách đảm bảo trật tự ATGT, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong dịp Lễ, Tết. Hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho Sở GTVT và các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải...

Áp dụng thành công nhiều công nghệ mới, vật liệu mới

Trong 10 năm qua, Tổng cục đã triển khai áp dụng thí điểm nhiều công nghệ mới, vật liệu mới vào bảo trì công trình đường bộ và đã mang lại hiệu quả thiết thực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nhiều công nghệ mới, vật liệu mới được áp dụng rộng rãi tiêu biểu như: công nghệ xây dựng cầu liền khối; công nghệ thi công khe co giãn bằng vật liệu đàn hồi FEBA; công nghệ dán sợi cường độ cao (carbon) để tăng cường khả năng chịu lực của dầm cầu BTDƯL; công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ cho dự án sửa chữa mặt đường; công nghệ trám vá nứt mặt đường; bê tông nhựa ấm; ứng dụng bê tông nhựa nguội trong công tác bảo trì mặt đường; công nghệ Microsurfacing trong bảo trì mặt đường.

Chương trình, giáo trình đào tạo lái xe được nghiên cứu, tiếp thu từ chương trình, giáo trình của nước ngoài. Giáo trình đào tạo lái xe được biên soạn lại, cập nhật công nghệ mới về phương tiện, hệ thống báo hiệu đường bộ, bổ sung các nội dung về đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, bổ sung kỹ năng xử lý các tình huống trên đường giao nhau, đường bộ với đường sắt, kỹ năng lái xe trên đường băng tuyết, đường cao tốc, đường đồi núi, đường trơn trượt… Hiện nay chương trình và thời gian đào tạo lái xe của Việt Nam tương đương với Trung Quốc, Thái Lan và dài hơn Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore (theo đánh giá của Ngân hàng thế giới).

Do những nỗ lực cống hiến không ngừng trong 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều ghi nhận thành tích của Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Huân chương Hồ Chí Minh cho Tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Đường bộ, năm 2010; Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập thể Khu Quản lý Đường bộ V năm 2010; Huân chương Lao động hạng Ba cho Ban quản lý dự án 4, năm 2014; Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2014; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2014./.

KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực