Đầu tư gần 49 nghìn tỷ đồng cho giao thông nông thôn ĐBSCL

Thứ ba, 26/11/2019 20:20
(ĐCSVN) – Sau gần 9 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay hệ thống giao thông nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương cho người dân.
leftcenterrightdel
Làm đường bê tông ở Hậu Giang. (Ảnh: K.V) 

Theo đó, tổng số vốn đầu tư cho giao thông nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong gần 9 năm qua là vào khoảng 48.735 tỷ đồng. Trong đó, đã xây dựng mới 13.562km, bao gồm: đường huyện 1.151 km; đường xã 10.269 km; đường thôn xóm, nội đồng 2.142 km. Cùng với đó các địa phương trong khu vực đã nâng cấp, cải tạo được 7.790 km đường, trong đó đường huyện 1.529 km; đường xã 4.101 km; đường thôn xóm, nội đồng 2.160 km.

Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng mới được 5.369 cây cầu và nhiều công trình cống. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng tuy có bước phát triển, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối. Toàn quốc hiện có 13 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tới 11 xã và 3.825 xóm, ấp thì 777 xóm, ấp chưa có đường ô tô tiếp cận; chỉ có 32/92 huyện đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 693/1.061 xã đạt tiêu chí về giao thông. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn khu vực này thấp nhất trong cả nước.

Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trên 65 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Các công trình, dự án trọng điểm gồm đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình; luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, Dự án kết nối vùng đồng bằng Mê Kông, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mở rộng tuyến tránh Tân An, quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, tuyến tránh Cai Lậy, tuyến tránh Sóc Trăng... Trong đó, riêng từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí trên 10.600 tỷ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến tránh TP. Long Xuyên, quốc lộ 57 Bến Tre và Vĩnh Long, quốc lộ 53 Trà Vinh - Long Toàn, quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

leftcenterrightdel
 Xây cầu kiên cố ở khu vực nông thôn tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: K.V)

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, dân số Đồng bằng sông Cửu Long là 20 triệu người, tức là chiếm 20% dân số của cả nước. Vì vậy, mức đầu tư cho giao thông tại vùng này cũng phải chiếm 20% của cả nước thì mới tương xứng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long còn đang gặp phải rất nhiều khó khăn. 

Các chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải cho rằng, đó là do điều kiện địa lý, khu vực này đang phải chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho vùng đặc biệt là hệ thống giao thông gặp nhiều khó khăn, công trình đòi hỏi kiên cố, chịu được tác động của môi trường dẫn đến suất đầu tư cao hơn so với các vùng khác. Do vậy, việc nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng như áp dụng các tiêu chí riêng cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, trong thời gian tới, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thì tổng mức đầu tư cho giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ưu tiên bố trí kịp thời, tương xứng để hoàn thành các quy hoạch phát triển giao thông đã được phê duyệt.

Chính vì vậy, việc quy hoạch giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long phải phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác, đặc biệt là quy hoạch thoát lũ. Về kinh phí đầu tư cho giao thông nông thôn cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài đầu tư xây dựng mới cần phải quan tâm dành kinh phí cho bảo trì. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần kết hợp chặt chẽ các loại hình vận tải thủy, bộ để giảm tải cho hệ thống đường bộ. Và việc xây dựng cầu đường bộ cũng phải đảm bảo thông thuyền không ảnh hưởng tới giao thông thủy./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực