Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ năm, 17/05/2018 15:55
(ĐCSVN) – Đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không những là chủ trương của Chính phủ mà còn là xu hướng mang tính thời đại. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng hợp lý trong thời đại công nghệ số hiện nay, đặc biệt có tác dụng hữu ích trong việc ngăn chặn các hành vi tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền...
Ảnh minh họa: M.P

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế tiền mặt hỗ trợ rất nhiều cho vấn nạn tham nhũng, rửa tiền… Các loại tiền phạm pháp, tiền từ các hoạt động ma túy, buôn lậu, mại dâm… đều được lưu chuyển bằng tiền mặt vì tiền mặt không để lại dấu vết, không mang tính chất pháp lý; bởi có tiền là mua bán và giao nhận, không ai ghi lại mã của từng đồng tiền để báo cho cơ quan an ninh làm cơ sở điều tra.

Chính vì vậy, nếu nền kinh tế chuyển sang không dùng tiền mặt thì tất cả vấn đề mua bán như nhà cửa, chi tiêu tiêu dùng, chuyển khoản… đều phải thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng hiện nay với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại đều có thể truy xuất nguồn gốc, hóa đơn cũng như thông tin giao dịch của người chuyển tiền và người nhận tiền, tạo thành dấu vết rất rõ ràng cho các cơ quan điều tra. Vì thế, nền kinh tế phi tiền mặt dù không thể hoàn toàn triệt tiêu nhưng sẽ giảm thiểu tối đa các tiêu cực liên quan đến tài chính, tiền tệ.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích để người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai mạnh Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 ban hành tại Quyết định 2545/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ và mới đây là Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thanh toán trong dịch vụ công.

Ông Dũng cho biết, qua theo dõi các hệ thống thanh toán lớn, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán qua internet tăng trưởng 81% và mobile tăng gần 70%. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp tỷ lệ rút tiền mặt giảm so với năm trước, từ 15% về 10%. “Có thể thấy, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã tác động khá tốt tới lĩnh vực thanh toán như dễ dàng thanh toán tiền điện, điện thoại trên website của các ngân hàng.

“Đó chính là việc Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm tới việc xây dựng các hạ tầng. Bao gồm phần chuyển mạch, thanh toán liên ngân hàng và xây dựng các tiêu chuẩn cho phép sử dụng các dịch vụ này”, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang phi tiền mặt ở Việt Nam vấp phải không ít khó khăn.  Thách thức không chỉ đến từ hạ tầng công nghệ thông tin mà còn từ thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng đã rất sâu sắc.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng điện tử, đặc biệt là phải giải tỏa tâm lý lo ngại của người dân đối với an toàn của thanh toán điện tử.

Hơn nữa, các cơ quan quản lý cần tăng cường, có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, của người dân, doanh nghiệp khách hàng cũng như bản thân các định chế tài chính khi cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; cần hạ tầng công nghệ thông tin ổn định, đảm bảo để trong quá trình tác nghiệp không có sự cố xảy ra.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Được biết trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng đề cập tới việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số…) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác, gắn với việc xây dựng chương trình; kế hoạch triển khai thúc đẩy Tài chính Toàn diện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đề án nêu rõ, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Cụ thể, hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; nhất là thu, nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử.

Để làm được điều đó cần sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng nền kinh tế hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với đó là sự vào cuộc của truyền thông trong việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực