Đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng “made in Vietnam” nhân dịp Tết Canh Dần 2010

Thứ tư, 20/01/2010 17:45

 

 Tăng sức tiêu thụ hàng Việt
bằng giá cả và chất lượng

(ĐCSVN) – Không quá tự tin khi nói rằng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang khẳng định tính ưu việt của mình. Hàng nội đang bắt đầu lấy dần vị thế, người tiêu dùng “để mắt” tới hàng nội nhiều hơn thay vì “chạy” theo hàng ngoại. Nhất là vào những ngày này, khi dịp Tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề, hàng nội với ưu thế về giá cả đang là lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng…

Dạo qua một số trung tâm mua sắm lớn tại TP Hà Nội, những băng rôn, biển hiệu “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nổi bật, các gian hàng “made in Vietnam”, nhất là các sản phẩm may mặc, đua nhau khoe sắc… thu hút rất đông khách hàng đến mua.

Tận dụng tối đa lợi thế tiêu dùng nhân dịp Tết

Những “cơ hội mua sắm vàng” hay “giờ vàng mua sắm”… được các trung tâm, hệ thống các siêu thị như: Mê Linh Plaza, Vincom, Tràng Tiền Plaza, PICO Plaza, Citimart, Fivimart… tận dụng một cách tối đa.

Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối kinh doanh hàng Tết đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng. Và theo giới kinh doanh, Tết này, số lượng mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm chế biến, may mặc... của Việt Nam bán trên các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng, đại lý sẽ tăng lên đáng kể so với năm trước. Đại diện Công ty Bibica cho rằng Tết này là cơ hội để sản phẩm của họ cạnh tranh với hàng ngoại nhập, vì thế Bibica dự kiến sẽ tung ra thị trường khoảng 4.500 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20% so với cùng kỳ ngoái. Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinatex cũng khẳng định sẽ tăng mạnh nguồn hàng để đáp ứng sức tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết này. Giới kinh doanh siêu thị khẳng định, tỷ lệ hàng nội tại siêu thị hiện đã chiếm tới 70%, hàng ngoại chỉ chiếm khoảng 30% và chủ yếu tập trung ở những nhóm hàng có sức tiêu thụ không lớn. Cá biệt có nhiều siêu thị, hàng nội chiếm áp đảo tới trên 90% như Co.op Mart, Big C…

Không nghi ngờ gì nữa, với những chuẩn bị tích cực từ nhà cung cấp tới phân phối, chắc chắn dịp Tết Nguyên đán này người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận nhiều hơn với hàng nội. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo các doanh nghiệp Việt muốn bám trụ ở thị trường nội địa cần có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài. Không nên coi Tết là cơ hội làm ăn ngắn hạn để rồi tìm cách tiêu thụ hàng tồn, hàng ế, hay tăng giá hàng hoá trong dịp Tết. Trái lại, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng hoá, nâng cao dịch vụ bán hàng, có giá thành hợp lý... để nâng cao uy tín thương hiệu. Và trong bối cảnh thị trường Tết thường có xu hướng tăng giá, nhiều doanh nghiệp coi việc giữ ổn định về giá bán cũng là một cách giữ uy tín với khách hàng.

Phát huy tiềm năng lớn của thị trường nội địa

 

 Tận dụng cơ hội để phát huy ưu thế hàng nội địa nhưng cũng cần phải có chiến lược dài hơi hơn

Thị trường nội địa nước ta là một thị trường lớn, lại có tốc độ tăng trưởng cao và khá ổn định. Liên tục trong nhiều năm, doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ luôn tăng ở mức 10%, riêng năm 2009 tăng khoảng 12% (sau khi đã trừ yếu tố tăng giá); dịch vụ phân phối trên thị trường nội địa đóng góp khoảng 14% GDP, sử dụng hơn 5 triệu lao động, chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành dịch vụ. Các tập đoàn đa quốc gia đã và đang tích cực khai thác thị trường nội địa nước ta. Trong năm 2009 vừa qua, quán triệt quan điểm thị trường trong nước là cơ sở, thị trường ngoài nước là quan trọng và hưởng ứng phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trên tinh thần của cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thị trường nội địa đã có những khởi sắc mới. Các doanh nghiệp đã chú ý hơn đến khu vực thị trường này, người tiêu dùng Việt Nam đến với hàng Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Xuân về, Tết đến, những mặt hàng truyền thống “lên ngôi” và lúc này đây, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp trong nước cần phải tận dụng và phát huy ưu thế, sở trường của mình. Không chỉ nâng cao về chất lượng, các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu trong những ngày Tết cổ truyền này còn cần phải phù hợp hơn với từng đối tượng tiêu dùng và tạo ra bản sắc riêng khác biệt của hàng hoá Việt Nam, đa dạng về chủng loại và phong phú về mẫu mã hơn. Cũng cần phải đồng thời chú ý tới hệ thống phân phối các sản phẩm nội địa, coi đây là cơ sở để xác lập mối liên kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu thụ, đồng thời cũng là cơ sở cho việc hình thành kênh lưu thông ổn định.

Chỉ cần luôn luôn tư duy “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”, chúng ta cũng sẽ có nhiều chính sách mở, phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường nội địa phát triển. Bởi thị trường nội địa, lực lượng doanh nghiệp trong nước chính là những yếu tố quan trọng hợp thành nội lực của đất nước ta./..

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực