Để nông dân là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Thứ ba, 24/07/2018 18:14
(ĐCSVN) - Chú trọng hơn nữa việc tập hợp, vận động, giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực của hội viên; chăm lo bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng hợp pháp của nông dân; phát huy dân chủ cơ sở để nông dân là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” diễn ra sáng 24/7, tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai nhiều nội dung hiệu quả. Trong đó, Trung ương Hội đã ban hành nhiều Nghị quyết, duy trì và phát động phong trào “nông dân thi đua, sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia sản xuất. Đặc biệt, đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, đồng thời nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bình quân hàng năm, số lượng hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu Hộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt hơn 6,2 triệu hộ, chiếm 38,8% so với tổng số hộ sống ở nông thôn. Qua bình xét, có hơn 3,55 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu, chiếm 57,2% số hộ đăng ký.

Từ phong trào, đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh. Hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến.

Cùng với đó, hàng năm có trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm 2017 tăng 5 lần so với năm 2012, trong đó có 1.980 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh có thu nhập từ 2 tỷ đồng trở lên. Điểm nổi bật của phong trào là bước đầu đã làm thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi.

Bên cạnh đó, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho nông dân, tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp Hội đã đạt 2.695,228 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương 677,638 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ nông dân địa phương 2.017,59 tỷ đồng đã giúp trên 380.000 lượt hộ nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh và hàng nghìn mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW cho thấy vẫn còn một số điểm hạn chế. Cụ thể, một số địa phương xây dựng quy hoạch chưa rõ ràng; chưa xác định được cây, con chủ lực có giá trị kinh tế nên trong sản xuất, nông dân còn tự phát theo phong trào; việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mới là bước đầu.

Đáng chú ý, nông dân còn ít được tham gia xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền chặt; chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Tỷ lệ hộ nghèo ở một bộ phận nông dân còn cao, giảm nghèo chưa bền vững; thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn còn thấp; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn chưa được thu hẹp.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW, theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cần tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, định kỳ tổ chức các hội nghị tuyên dương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức nhà nông, nhà nông sáng tạo; các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Theo Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đối với hội viên và bà con nông dân để thay đổi nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Mục tiêu phấn đấu là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân. Đồng thời, tập trung tổng kết và tiếp tục đổi mới, bám sát các giải pháp để nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước của nông dân; quan tâm hỗ trợ cho nông dân về thị trường, hỗ trợ nông dân sử dụng điện thoại thông minh gắn với internet, giới thiệu các sản phẩm công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, 

Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: BT)

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW ghi nhận, biểu dương những kết quả mà giai cấp nông dân, các cấp Hội Nông dân đã đạt được trong 10 năm vừa qua.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết, theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, cần quan tâm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đối với quỹ hỗ trợ nông dân, với nguồn ngân sách Trung ương còn hạn hẹp, cần chủ động trong việc đề nghị với chính quyền địa phương để có được nguồn bổ sung vốn cho quỹ. Đồng thời, cùng với nội dung hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất, cần quan tâm đến các mục đích khác để liên kết người nông dân, làm sao sử dụng quỹ vừa bảo toàn được vốn vừa sử dụng hiệu quả và năng động.

Các cấp Hội cần kết hợp nhuần nhuyễn với nông dân, các tổ chức có liên quan, trong đó Hội Nông dân đứng ra ở vị trí ban đầu trong việc cùng tạo ra các mô hình sản xuất. Khi mô hình đã triển khai tốt sẽ bàn giao lại cho nông dân, doanh nghiệp,… Hội sẽ rút nguồn đầu tư ra để triển khai nhiệm vụ khác.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Bình lưu ý đến công tác đào tạo cho nông dân, nên có một bộ phận quản lý hành chính tìm hiểu sâu sát các nhu cầu nghề đào tạo. Cơ sở này có liên hệ chặt chẽ với các trung tâm, viện nghiên cứu để cần đến đâu thuê người giảng dạy đến đó, đúng người, đúng đối tượng. Với bà con nông dân, cần cầm tay chỉ việc, đảm bảo cách giảng dạy vừa lý thuyết vừa thực hành, tổ chức sản xuất cùng với bà con.

Cùng với đó, cần chú trọng hơn nữa việc tập hợp vận động giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực hội viên; chăm lo bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng hợp pháp của nông dân. Phát huy dân chủ cơ sở để nông dân là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, cần phối hợp tổ chức tốt các dịch vụ tư vấn nông dân, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác, cùng các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đồng thời, làm tốt việc nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt, cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực