Dệt may Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ sáu, 06/09/2019 19:57
(ĐCSVN) – Để giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức, ngày 6/9, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Hội thảo “Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ  đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đối với ngành dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019 – 2030”. Đây cũng là đề tài độc lập cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Vinatex thực hiện, nhằm đánh giá và phân tích những ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành , từ đó đưa ra định hướng phát triển ngành tới năm 2030.

Ông Lê Tiến Trường Tổng Giám đốc Vinatex phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: K.D)

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng, với quy mô trên 40 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam cần có những bước chuẩn bị rất dài để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không sẽ xảy ra những rủi ro lớn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh. Nhằm hỗ trợ ngành dệt may, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước để đánh giá và nhìn nhận lại sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành dệt may Việt Nam.

Sau khoảng 10 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài gồm 4 đơn vị: Vinatex, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Viện Nghiên cứu Dệt May và Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện khảo sát trên 100 doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần còn vốn Nhà nước… và tham quan, tìm hiểu tại các Quốc gia hàng đầu về công nghệ trong ngành Dệt May của thế giới như Đức, Thụy Sỹ, Trung Quốc.

Hội thảo lần này, nhóm thực hiện sẽ công bố những công việc đã thực hiện được trong 10 tháng qua, cũng như là cơ hội để nhóm thực hiện đề tài lắng nghe những đóng góp, ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp để nhóm có những chỉnh sửa cần thiết trước khi tiến hành báo cáo Bộ Khoa học và công nghệ.

Đánh giá cao những công việc của nhóm thực hiện đề tài đã làm được, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng đây là lần đầu tiên có một đề tài nghiên cứu nghiêm túc, sâu sát và đúng trọng tâm về những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành dệt may Việt Nam, thay vì những nhận định có phần lý thuyết như trước đây. Tuy nhiên, nhóm cần làm rõ thêm một số ý về cách tính năng suất lao động, giá trị sản phẩm…

Chia sẻ ý kiến của mình, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 14 cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) với các ứng dụng phổ biến của tự động hóa, Internet kết nối), dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo…đang tạo ra cả thách thức và cơ hội lớn cho ngành dệt may.

Hội thảo “Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Ảnh: K.D)

Với việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, ngành dệt may sẽ có cơ hội sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…Đặc biệt, năng suất lao động cao sẽ tạo cơ hội cho người lao động có thu nhập cao, giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định.

Ông Hoàng Xuân Hiệp, đến từ Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu trong những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những cơ hội công việc mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân lực vận hành có qua đào tạo nhiều hơn. Do đó, từ nay đến năm 2030, sẽ cần thay đổi phương thức đào tạo, cũng như có chiến lược trong việc phát triển đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu mới – ông Hiệp khẳng định.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra thách thức cho ngành dệt may, đó là người máy (robot), trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế sức lao động của con người; hoạt động sản xuất, chế tạo trong tương lai sẽ tập trung tại các nước công nghiệp phát triển. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, chi phí nhân công và các công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng ít quan trọng và dần được thay thế hoàn toàn bởi người máy với chi phí thấp hơn./.

 

 

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực