Dịch vụ dân sinh thiết yếu được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG qua Ví MoMo

Thứ hai, 07/09/2020 20:34
(ĐCSVN) – Kể từ ngày 7/9, Ví MoMo đã hoàn tất kết nối hạ tầng công nghệ với 38 tỉnh/thành phố tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), cho phép người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể thanh toán nhanh chóng, an toàn hàng trăm dịch vụ dân sinh thiết yếu trong lĩnh vực dịch vụ công ngay trên Cổng DVCQG.
 Ảnh minh họa

Việc đẩy mạnh điện tử hóa dịch vụ công cho thấy sự quyết tâm cao, tạo điều kiện thuận lợi của Chính Phủ cho người dân thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Là Ví điện tử đầu tiên được lựa chọn đồng hành, Ví MoMo đã sẵn sàng cơ sở hệ tầng để cùng Chính Phủ triển khai thuận tiện nhanh chóng, an toàn và hiệu quả nhất.

Sau 8 tháng triển khai, Cổng DVCQG đã bổ sung thêm hàng loạt thủ tục hành chính cho phép thanh toán trực tuyến như: Nộp phạt vi phạm giao thông; Đóng Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế…

Ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo), cho biết: Nếu như trước đây để nộp phạt vi phạm giao thông, người vi phạm phải đến Kho bạc, Ngân hàng để đóng tiền, rồi sau đó đến cơ quan Công An nộp biên lai mới hoàn tất quy trình đóng phạt. Thậm chí, với các trường hợp vi phạm ngoài tỉnh, người vi phạm còn phải quay lại nơi bị phạt để thực hiện việc nộp phạt… rất phiền hà, mất thời gian. Chính điều đó dễ dẫn đến tâm lý thỏa thuận khi phát sinh vi phạm. Thì nay, việc đóng phạt qua hình thức thanh toán trực tuyến sẽ giúp toàn bộ quy trình rườm rà nêu trên trở nên nhanh chóng, tiết kiệm thời gian trong nộp phạt, tăng minh bạch trong quá trình xử phạt vi phạm.

Cùng với đó, Ví MoMo cũng đã phối hợp cùng Tổng Cục Thuế triển khai dịch vụ đóng Lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy ngay trên Ứng dụng MoMo.

“Với chỉ đạo đẩy nhanh quá trình số hóa trong lĩnh vực dịch vụ công, hướng tới dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã cho thấy hành động quyết liệt trong việc thực hiện quyết tâm của Chính Phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính. Chúng tôi rất vinh hạnh khi được sự tin tưởng Chính phủ lựa chọn đồng hành và sẽ nỗ lực hết mình để cùng các cơ quan triển khai nhanh chóng, nhằm tạo sự thuận lợi nhất cho người dân”, ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ.

Có thể nói, việc triển khai kênh thanh toán điện tử đã mang đến những lợi ích về mặt quản lý, điều hành. Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết hồ sơ, bảo đảm tính minh bạch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mang đến giá trị thiết thực, hiệu quả./.

V.L

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực