Điểm sáng trong phát triển kinh tế Lục Ngạn

Thứ hai, 20/01/2020 11:39
(ĐCSVN) - Năm 2019, kinh tế - xã hội của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát triển tích cực trên các lĩnh vực, trong đó sản xuất nông nghiệp là điểm sáng nổi bật, với giá trị gia tăng 916 tỷ đồng so với năm trước trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
leftcenterrightdel
 Nông nghiệp là điểm sáng nổi bật, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lục Ngạn trong năm 2019. Ảnh PL

Đồng chí Nguyễn Viết Oanh, Bí thư Huyện ủy phấn khởi cho biết: 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản của huyện đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất là 11.861 tỷ đồng, đạt 103,5% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng đạt 15,95%. Giá trị sản xuất/1ha đất canh tác nông nghiệp đạt trên 135 triệu đồng, đạt 123,18% kế hoạch (năm 2018: 107,3 triệu đồng/ha). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 4.850 tỷ đồng, đạt 100,45% kế hoạch (tăng 1.870 tỷ đồng so với năm 2018). Có thêm 04 xã: Quý Sơn, Mỹ An, Tân Mộc, Tân Quang đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch, đưa tổng số xã toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 08 xã. Riêng thôn Ngọt, xã Hồng Giang đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 6,81% (giảm 3,74% so với năm 2018), đạt 105,72% kế hoạch; 3.480 người được giải quyết việc làm mới…

Trong thành tựu chung của huyện Lục Ngạn năm 2019 thì nông nghiệp tiếp tục bật lên như một điểm sáng. Mặc dù ảnh hưởng của thời tiết làm giảm sản lượng một số loại cây ăn quả; dịch bệnh trên đàn lợn đã làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, song tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 6.065 tỷ đồng, tăng 647 tỷ đồng so với năm 2018, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngan Cao Văn Hoàn cho biết; trồng trọt là lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Toàn huyện có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại. Tổng sản lượng các loại quả tươi đạt 165.460 tấn, mang lại giá trị trên 4.315 tỷ đồng, tăng 916 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng diện tích cây có múi là 6.740 ha (cam 4.142 ha, bưởi 2.252 ha, cây có múi khác 346 ha), tăng 300 ha so với năm 2018, tổng sản lượng đạt 58.560 tấn.

Trong cơ cấu cây ăn quả của Lục Ngạn thì vải thiều vẫn là cây chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân. Hiện nay, Lục Ngạn tiếp tục duy trì diện tích 15.290 ha vải thiều, trong đó có 11.500 ha vải VietGap. Vụ vải thiều 2019 với tổng sản lượng quả tươi 98.200 tấn, tuy giảm 43.030 tấn so với năm 2018 nhưng giá bán bình quân cao 36.000/kg, đạt giá trị 3.535,2 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay (tăng 1.275,2 tỷ đồng so với vụ vải năm 2018).   

Có diện tích cây ăn quả lớn thuộc diện hàng đầu miền Bắc nên Lục Ngạn rất quan tâm đến công tác tìm thị trường đầu ra cho nông sản. Năm 2019, huyện đã tham gia xúc tiến thương mại tại thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; tham gia Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019; tổ chức Tuần lễ vải thiều và diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn tại Hà Nội; Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2019...

Để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay, Lục Ngạn  đã triển khai Đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại xã Tân Mộc, hỗ trợ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên diện tích 20 ha; thí điểm sản xuất vải thiều hữu cơ tại xã Giáp Sơn và Quý Sơn mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của địa phương.  

Nhờ thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh xuống còn 6,81%, đạt 104,95% kế hoạch, giảm 3,74% so với năm 2018; không còn trường hợp người có công thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt nhiều hộ dân đã thay đổi ý thức, có 60 hộ làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo

Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Hội đồng nhân dân huyện thông qua, năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn xây dựng dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 13,5%, giá trị ước đạt khoảng 13.462 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên l ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 112,89 triệu đồng; xây dựng 04 xã: Biển Động, Phượng Sơn, Đồng Cốc, Biên Sơn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 8%/năm.

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Viết Oanh khẳng định, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, giá trị và hiệu quả kinh tế; mở rộng mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ. Khuyến khích thành lập các hợp tác xã sản xuất tập trung có quy mô lớn hơn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, hình thành các chuỗi giá trị.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các ban xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020-2025); nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực