"Điểm tựa" thoát nghèo cho phụ nữ dân tộc trên miền đất xanh Kon Plông

Thứ bảy, 27/04/2019 00:03
(ĐCSVN) – Mô hình "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản" hay “Tổ phụ nữ liên kết trồng cây cà phê xứ lạnh” đang được coi là những "điểm tựa", trở thành những giải pháp có tính đột phá giúp thoát nghèo khá hiệu quả cho chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số của huyện miền núi Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong thời gian qua.

Vượt qua những con đường đất đỏ khúc khuỷu và hiểm trở, chúng tôi có cơ hội theo chân chị Lương Thị Dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Kon Plông, đến xã Măng Cành vào một ngày trời nắng hanh hao, đậm chất Tây Nguyên. Ngay khi đặt chân đến nhà văn hóa thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, rất đông chị em đã xúng xính trang phục dân tộc Mơnâm đợi để giới thiệu với chúng tôi về các mô hình giúp chị em thoát nghèo trong những năm vừa qua.

Vùng đất Kon Plông được biết đến không chỉ là vùng đất anh hùng trong chiến tranh, mà còn là nơi có nhiều tiềm năng về du lịch; tuy nhiên do địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên từ khi chia tách, thành lập huyện đến nay được gần 13 năm, nhưng đời sống kinh tế của bà con trong vùng nói chung và hội viên phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong huyện chiếm 84,62%, trong đó chủ yếu là dân tộc Xê đăng, KDong, Hre và Mơnâm. Không biết có phải do văn hóa "mẫu hệ" đã ăn sâu trong tiềm thức của bà con dân tộc hay không, mà những người phụ nữ trên vùng đất này luôn tháo vát, xông xáo trong mọi công việc. Mặc dù đã được bà con ở Kon Plông cho biết ngày nay hầu như không còn chế độ "mẫu hệ", nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận đâu đó dấu ấn của văn hóa "mẫu hệ" thông qua biểu hiện xốc vác, năng động của những người phụ nữ đối không chỉ với các công việc nặng nhọc trong gia đình, như việc đồng áng, nương rẫy, làm kinh tế, mà còn thể hiện cả ở trong công việc đoàn thể, xã hội, thôn bản... Hiện trong số 2.316 hộ nghèo của Kon Plông (chiếm tỷ lệ 32,55%) thì có đến 417 hộ do phụ nữ làm chủ hộ.

Xây dựng "ngân hàng tại chỗ" nhờ sáng kiến “tiết kiệm và vốn vay thôn bản”

Đó là một trong những mô hình đã được triển khai rất hiệu quả trên địa bàn Kon Plông từ năm 2015 đến nay. Chị Y The, dân tộc Mơnâm, 30 tuổi ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành - một trong những hội viên tích cực tham gia mô hình này chia sẻ, thôn Kon Chênh có trên 90 hộ đang sinh sống, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, khi nhóm "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản" được triển khai ở thôn, chị em còn rất e dè, nhưng sau một thời gian tham gia và thấy được hiệu quả của mô hình, ai cũng phấn khởi bởi đến cuối năm có được một khoản tiền tiết kiệm để cùng nhau làm kinh tế. Không biết từ bao giờ, mô hình này đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho chị em trong những lúc khó khăn, bởi bất cứ khi nào các thành viên có nhu cầu chính đáng đều có thể vay vốn từ nguồn tiền tiết kiệm của cả nhóm. Chị em trong nhóm cũng từ bỏ thói quen tiêu xài không tiết kiệm như trước đây mà đã biết cách dành dụm để chi tiêu hợp lý hơn.  

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của Tổ phụ nữ "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản"
thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (ảnh: Trần Quỳnh)

Để giúp chúng tôi hiểu rõ về cách thức sinh hoạt của nhóm, Y The chia sẻ thêm: Mỗi tháng, nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản” thôn Kon Chênh sinh hoạt một lần. Các thành viên trong nhóm chuẩn bị tiền nộp tiết kiệm. Lần lượt từng người nộp tiền tùy vào điều kiện và mức thu nhập của mỗi chị; số tiền nộp của mỗi thành viên tương ứng với số con dấu được đóng vào cuốn sổ ghi chép của mình, mỗi con dấu tương ứng với số tiền 40 ngàn đồng; sau đó sẽ công bố cho các thành viên còn lại số tiền tiết kiệm tháng đó. Tổng số tiền tiết kiệm được sử dụng cho chị em đầu tư phát triển kinh tế; ai có nhu cầu vay vốn sẽ đề xuất và chờ sự đồng ý của các thành viên còn lại trong nhóm. Mức vay sẽ tùy theo tỷ lệ đóng góp của người đó, trường hợp đặc biệt quá hạn mức thì phải được sự đồng thuận của cả nhóm. Ngoài tiền tiết kiệm theo mô hình, mỗi tháng nhóm còn vận động các thành viên đóng góp một khoản tiền nhỏ làm Quỹ xã hội, với mục đích thăm nom khi các thành viên gặp chuyện không may hoặc động viên con em trong nhóm vượt khó học tập...

Theo chị Lương Thị Dân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông, hình thức hoạt động của mô hình này được xem như một “ngân hàng tại chỗ”. Số tiền lãi vay do nhóm quy định nhưng không cao hơn lãi suất Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Hình thức vay đơn giản, không cần nhiều thủ tục rườm rà, lúc nào cũng có thể vay được, nếu thành viên vay có nhu cầu chính đáng.

Nói về nguồn gốc của mô hình, chị cho biết, xuất phát từ nhu cầu của hội viên phụ nữ và được sự hỗ trợ của tổ chức Plan International vùng Kon Tum (là một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo quốc tế), đầu năm 2015 cán bộ Hội phụ nữ huyện và Hội phụ nữ cơ sở được đi tham quan mô hình “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản” tại Quảng Trị. Đây là mô hình tiết kiệm mới, thu hút đông đảo chị em hội viên phụ nữ tham gia và mang lại hiệu quả cao, cho hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Để mô hình này đến được với hội viên phụ nữ trên địa bàn mình, Hội LHPN huyện Kon Plông đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ xã, thôn, chi hội trưởng phụ nữ tại 2 xã là Măng Cành và Đắk Long; sau đó lựa chọn thôn Đắk Ne của xã Măng Cành và thôn Kon Ke 1 của xã Đắk Long làm thí điểm. Sau khi thành lập mô hình, để triển khai đạt hiệu quả, Hội phụ nữ huyện đã hỗ trợ cho mỗi chi hội một bộ công cụ gồm thùng đựng tiền, sổ ghi chép, sổ tiết kiệm, máy tính cá nhân, bảng tên thành viên, con dấu, túi đựng tiền, chiếu ngồi họp và một số vật dụng khác.

Để đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý và giám sát nguồn vốn tiết kiệm của chị em, Hội phụ nữ huyện đã phối hợp với hội phụ nữ các xã tiến hành họp chi hội và bầu Ban quản lý mô hình gồm có 5 thành viên: một tổ trưởng, một thư ký, hai thành viên giữ chìa khóa, hai thành viên đếm tiền. Mỗi hòm có 3 ổ khóa, chìa khóa được giao chia đều cho 3 thành viên trong mô hình, mỗi người giữ chìa của một ổ, khi có đủ 3 thành viên mới mở được hòm, lấy được tiền, nếu vắng một trong ba người thì không tiến hành họp được.

Hình thức sinh hoạt của mô hình này dễ thực hiện, có sự hỗ trợ giám sát của các thành viên trong Ban quản lý mô hình, và công khai tất cả các khoản tiền đóng góp hàng tháng. Quỹ được huy động tại chỗ, việc cho vay và trả vốn cũng tại chỗ, trước sự chứng kiến của các thành viên, mà không phải làm các thủ tục như vay vốn tại Ngân hàng. Chính vì vậy, chị em thấy có nhiều thuận lợi, dễ thực hiện nên hiệu quả của mô hình đạt được ngày càng cao, thu hút rất đông hội viên tham gia vào mô hình và tổ chức Hội.

Đến nay, toàn huyện Kon Plông đã có 39 nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản”, với 782 thành viên tham gia. Từ tổng số tiền tiết kiệm được của nhóm là gần 400 triệu đồng đã tạo điều kiện cho 7 thành viên ở thôn Tăng Pơ, Vác Y Nhong (xã Đăk Ring) vay số tiền 12,5 triệu đồng; 50 thành viên ở thôn Đăk Lanh, thôn Kô Chất (xã Măng bút) vay với số tiền 56,5 triệu đồng; 11 thành viên thôn Vi Xây, Rô xia I (xã Đăk Tăng) vay số tiền 11 triệu đồng; 8 thành viên thôn Kon Chênh, Kon Năng (xã Măng Cành) vay vốn với số tiền 16 triệu đồng. Nguồn vốn vay tuy nhỏ nhưng cũng đã phần nào giúp đỡ các thành viên khó khăn giải quyết được một số công việc như mua giống cà phê, gà, heo giống tặng gia sản xuất.

Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, hoạt động của mô hình còn có ý nghĩa về mặt xã hội. Tổng số tiền quỹ xã hội (hơn 21,3 triệu đồng) được các thành viên đóng góp để phục vụ các cuộc họp và tổng kết cuối năm, trích để thăm hội viên ốm đau, gặp rủi ro, động viên con em trong nhóm vượt khó học tập... Nhờ những đồng vốn từ Quỹ tín dụng “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản” mà trong thời gian qua, nhiều gia đình hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện đã có thêm nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế, chị em không còn ngại mỗi khi đăng ký tham gia các mô hình.

Xóa nghèo nhờ mô hình trồng cây cà phê xứ lạnh

Xuất phát từ thực tế cuộc sống là một xã vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, chị Y Ró, 35 tuổi người dân tộc Mơnâm cũng ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế gia đình, thoát được nghèo đói.

Chị Y Ró (thứ hai từ trái sang) đang vận động phụ nữ trong xã Măng Cành hưởng ứng phát triển trồng cây cà phê xứ lạnh mang lại kinh tế cao (Ảnh: Tú Quyên)

Nói về những ngày đầu mới lập nghiệp, Y Ró cho biết: Năm 2012 được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội phụ nữ cấp trên đã vận động người dân nơi đây trồng cây cà phê xứ lạnh và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân trồng cà phê. Bản thân Y Ró đã mạnh dạn trồng và vận dụng các kỹ thuật được học vào sản xuất. Bước đầu mới trồng được 1 ha, nhưng nhận thấy trên cùng một diện tích như nhau nhưng cây cà phê có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây lúa, cây mì. Do đó, chị đã quyết tâm vay 30 triệu đồng của NHCSXH để mở rộng thêm diện tích trồng cà phê. Đến nay, thu nhập của gia đình chị đạt trên 300 triệu đồng/năm, trong đó riêng từ cây cà phê xứ lạnh là 40 triệu/năm, góp phần rất nhiều trong việc tạo thu nhập ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình.

Hơn thế nữa, từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân, Y Ró đã tích cực tuyên truyền, vận động được rất nhiều chị em hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn sang trồng cà phê xứ lạnh. Từ đó, ý tưởng thành lập mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh xã Măng Cành ra đời, tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều chị em phụ nữ thông qua việc cùng hợp tác trồng, mua bán hàng số lượng lớn để có giá tốt, cùng thống nhất về giá bán, về quy trình, kỹ thuật thu mua, bảo quản để đảm bảo chất lượng của sản phẩm cà phê.

Nhớ lại khó khăn trong những ngày đầu mới thành lập, Y Ró chia sẻ: Do chưa có kinh nghiệm về kinh doanh cũng như các kiến thức điều hành hoạt động của tổ liên kết nên có những thời điểm thực sự khó khăn và áp lực, nhất là việc các thành viên trong nhóm chưa có kinh nghiệm trong việc giới thiệu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ mới chủ yếu cung cấp tại huyện Đăk Hà, doanh thu của tổ liên kết còn hạn chế. Nhưng tất cả chị em trong tổ chưa từng nản chí, mà càng khó khăn lại càng đề ra quyết tâm vượt qua để có được thành công như ngày hôm nay.

Đến nay, tổ liên kết trồng cây cà phê xứ lạnh ở xã Măng Cành đang hoạt động ổn định với 21 thành viên, từng bước nâng cao doanh thu mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng và còn mở rộng thị trường đến tỉnh Gia Lai. Đã có 139 hội viên phụ nữ tại 10/10 thôn của xã đã đăng ký tham gia mô hình tổ liên kết trồng cà phê. Kết quả đã có 15 gia đình hội viên bắt đầu thu hoạch sản phẩm cà phê từ mô hình, cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng/hộ/năm, qua đó đã giúp những gia đình này thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhiều chị em trong nhóm mong muốn trong thời gian tới sẽ mở rộng hơn nữa quy mô của tổ liên kết để tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều chị em khác trên địa bàn; và trong tương lai không xa sẽ xây dựng một thương hiệu riêng cho các sản phẩm nông sản sạch, không chỉ là cây cà phê, mang đặc trưng của Kon Plông. Tuy nhiên, đa số chị em băn khoăn là làm sao có thể kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời tìm kiếm được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định, từ đó giúp chị em yên tâm mở rộng sản xuất.

Mô hình trồng cây cà phê xứ lạnh đang mở ra hướng thoát nghèo
cho chị em phụ nữ dân tộc Rơnâm xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (ảnh: An Nhiên)

Đồng chí Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Măng Cành cho biết: Mô hình Tổ liên kết trồng cà phê xứ lạnh của Y Ró đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương, tạo dựng được niềm tin trong chị em phụ nữ để khởi nghiệp làm kinh tế. Để kịp thời động viên chị em trong hội tích cực chuyển đổi giống cây trồng phát triển kinh tế vùng, chính quyền xã cũng đã thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kho dùng để chứa nông sản do nhóm thu mua và các loại nông sản khác. Đồng thời, phối hợp với các công ty phân bón, chủ trang trại cây giống cung cấp cây giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho hội viên phụ nữ.

Từ những thành công ban đầu của mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh ở xã Măng Cành, Hội LHPN huyện Kon Plông đã tiếp tục phối hợp với Hội LHPN xã Măng Cành tổ chức kiểm tra việc triển khai trồng cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn 10/10 thôn theo sự chỉ đạo, phân công của Thường trực Huyện ủy. Qua kiểm tra đến nay diện tích cây tăng trưởng đạt trên 90%; ở một số thôn như thôn Kon Tu Ma, Kon Kum, Đăk Ne, Tu Rằng, Kon Chênh, Kon Năng, bà con đã biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sinh trưởng tốt, có chất lượng cao.

Đánh giá về hiệu quả của những mô hình làm kinh tế của chị em tại địa phương, chị Lương Thị Dân cho biết: Trên địa bàn huyện Kon Plông ngày nay có rất nhiều mô hình đã và đang hoạt động rất hiệu quả như mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng rau xứ lạnh Măng Đen ở xã Đăk Long; mô hình Tổ phụ nữ hợp tác trồng và bán rau, củ, quả an toàn Măng Đen; phong trào Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình; phối hợp với Hội LHPN tỉnh, UBND huyện tổ chức thành lập câu lạc bộ "Nữ doanh nhân"... Để giúp các mô hình này hoạt động ổn định và phát triển hơn trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp luôn nỗ lực tìm cách hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, trở thành điểm tựa để các chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số hợp sức phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Bà Trần Thị Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay tỉnh Kon Tum đang nhân rộng những mô hình phụ nữ dân tộc thiếu số giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững. Hội LHPN tỉnh xác định thông qua những mô hình này chính là phương thức giúp đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng nắm được những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, của địa phương, đặc biệt hữu hiệu trong việc hỗ trợ cho chị em phụ nữ dân tộc khởi nghiệp. Mặc dù, hành trình khởi nghiệp với chị em phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số còn nhiều gian nan, tuy nhiên, với sự đồng hành của các cấp Hội cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành, những nút thắt, rào cản đang dần được tháo gỡ. Những điểm tựa vững chắc ấy đã và đang tạo đà giúp chị em không chỉ làm tốt việc “xây tổ ấm” mà còn vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương./.

Trần Quỳnh - Thương Huyền - Đinh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực