Điện Biên Đông (Điện Biên): Hiệu quả từ xuất khẩu lao động

Thứ ba, 16/04/2019 10:22
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã mở ra hướng đi hiệu quả trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trong huyện…

Ông Sùng A Sinh ở bản Tìa Dình B, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) cho biết, trước đây gia đình ông thuộc diện đặc biệt khó khăn, hàng năm thường thiếu đói giáp hạt. Năm 2016, con trai ông đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, sau hơn 1 năm đã gửi về cho gia đình trên 100 triệu đồng. Số tiền đó được ông dùng để trả nợ ngân hàng hơn 20 triệu, còn lại đầu tư mua bò sinh sản, làm kinh tế vườn, phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống gia đình đã dần được cải thiện và vươn lên thoát nghèo. Tìm hiểu được biết, gia đình ông Sinh chỉ là một trong hàng chục gia đình ở xã Tìa Dình có cuộc sống đổi thay nhờ xuất khẩu lao động.

Thời gian qua, xã Tìa Dình đã vận động nhiều người dân đi xuất khẩu lao động nước ngoài và nhiều người trở về nước đã có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình ấm no hơn trước đây. Đến nay, toàn xã có hơn 20 người xuất cảnh đi làm việc tại các nước như: Malaysia, Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Hàn Quốc… Riêng năm 2018, xã Tìa Dình đã tuyên truyền, vận động được gần 40 công dân tham gia học tiếng Hàn Quốc để đi xuất khẩu lao động.

Tính chung trên địa bàn toàn huyện Điện Biên Đông, với việc phát huy lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, cấp ủy, chính quyền các cấp và các đoàn thể đã tập trung, quan tâm đến việc đưa người dân tại địa phương đi lao động ở nước ngoài. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có khoảng hơn 50 lao động làm việc tại nước ngoài; riêng năm 2018, có 14 lao động sang làm việc tại các thị trường, như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… Số lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm, thu nhập ổn định. Tại thị trường Malaysia, mỗi lao động có thu nhập bình quân từ 6 - 6,5 triệu đồng/tháng; Nhật Bản 18 - 24 triệu đồng/tháng; Hàn Quốc 17 - 20 triệu đồng/tháng… Với số vốn tích lũy được họ gửi về cho gia đình trang trải các khoản nợ, đầu tư phát triển sản xuất tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Sau khi trở về địa phương, với tay nghề sẵn có không ít lao động mở xưởng sản xuất, đầu tư mô hình phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Thấy đời sống của các gia đình có người xuất khẩu lao động từng bước được cải thiện, người dân trong vùng đã dần thay đổi nhận thức, từ đó, vận động con em mình tham gia xuất khẩu lao động. Với trên 50 lao động, mỗi năm đã có hàng tỷ đồng do con em trong huyện đi xuất khẩu lao động gửi về. Ngoài để trả nợ ngân hàng, các gia đình còn đầu tư sản xuất, mở rộng mô hình phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Đồng chí Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: “Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chức năng, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tự giác tham gia xuất khẩu lao động. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với địa phương bởi nó cho thấy bà con đã có ý thức tự mình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống mà không cần phải trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước”. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động công dân tham gia xuất khẩu lao động hiện cũng đang gặp một số khó khăn do nhận thức của người dân không đồng đều, việc hỗ trợ người dân tham gia học tiếng, học nghề còn hạn chế. Mặt khác, một số thị trường lao động nước ngoài đã “khó tính” hơn đối với lao động Việt Nam, khiến người lao động cũng gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng các tiêu chí của đơn vị tuyển dụng lao động.


Người dân huyện Điện Biên Đông tìm hiểu các quy định về xuất khẩu lao động (Ảnh: ĐP)

Thực tế ở huyện Điện Biên Đông thời gian qua cho thấy, nhờ xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình trên địa bàn huyện đã có điều kiện đầu tư mua sắm trang thiết bị, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Rõ ràng việc đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Không những thế, người lao động được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài, tính kỷ luật trong lao động và nâng cao tay nghề. Khi trở về địa phương họ sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề cao hơn hẳn và sẽ trở thành những nhân tố tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế.

Có thể thấy, trong điều kiện của một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, việc thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động đã không chỉ giúp huyện Điện Biên Đông nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế các tệ nạn xã hội mà còn góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bởi vậy, mục tiêu trong thời gian tới của huyện Điện Biên Đông là vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, nhằm góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương./.

Bài, ảnh: Đặng Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực