Doanh nghiệp Đồng Nai chủ động vượt qua khó khăn trong dịch COVID-19

Thứ tư, 01/04/2020 09:02
(ĐCSVN) – Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong thời gian qua, khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị ngưng trệ, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn…

Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hàng xuất khẩu tại Khu công nghiệp Amata- Biên Hòa- Đồng Nai. (Ảnh: K.V)

Hiện nay, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp của Đồng Nai vẫn còn phụ thuộc nhiều từ Trung Quốc. Tới hơn 20% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tỉnh là từ thị trường này. Đặc biệt, 5 ngành xuất khẩu chủ lực là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và phụ tùng, có những đơn hàng phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc từ 50% đến 70%. Để vượt qua khó khăn này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để có thể tiếp tục đứng vững trong thời gian chờ dịch bệnh được khống chế. Trong đó, việc tìm nguyên liệu trong nước, giữ nhịp độ sản xuất, tăng doanh số bán hàng trực tuyến là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp đang làm.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho hay, các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, logistics bị ảnh hưởng rất lớn. Doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi liên quan đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi các doanh nghiệp này giảm sản xuất sẽ ảnh hưởng ngay đến các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ. Cũng theo các chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra cho hàng hóa vì nhu cầu của thị trường suy giảm, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm.

Để phần nào giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, các doanh nghiệp ở Đồng Nai đang chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho sản xuất từ các thị trường khác, nhất là ở những nước tương đối phát triển, để có nguồn nguyên liệu tốt. Bên cạnh việc tìm nguyên liệu ngoại nhập, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc tạo nguồn cung ứng sản phẩm trong nước, hợp tác với nhau để tạo đầu vào cho sản xuất.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đồng Nai cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai cũng như Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh, đáp ứng được 30% đến 40% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Đồng Nai được xem là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu, trang thiết bị đầu vào cho sản xuất công nghiệp, vì trên địa bàn tỉnh này tập trung hơn 600 doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu vào khá đa dạng, rải đều trên các lĩnh vực như dệt may, giày dép, cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị, điện, điện tử..., Tuy nhiên, trong hơn 600 doanh nghiệp kể trên chỉ có gần 140 doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện các sản phẩm đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ đang phải nhập khẩu nhiều như sắt thép, bông, nhựa, chất dẻo, hóa chất.... 

Chính vì vậy, mặc dù nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được từ 30% đến 40% nhu cầu của các doanh nghiệp, song thực tế những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cũng phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu thô từ nước ngoài về. Khi gặp phải biến cố như dịch bệnh COVID-19, chuỗi sản xuất công nghiệp tại địa phương phải rất vất vả để vượt qua khó khăn, thử thách. Trên thực tế, tại Đồng Nai, mặc dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh này phải giảm công suất vì thiếu nguyên liệu, đơn hàng. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang gấp rút xây dựng nhà xưởng, chờ qua dịch để đi vào sản xuất.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, hiện có 77 dự án của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang tiến hành xây dựng nhà xưởng, văn phòng. Các doanh nghiệp xây dựng những công trình trên khá nhanh, thời gian chỉ khoảng 6-18 tháng là có thể hoàn thành và đưa vào hoạt động…

Khác với các ngành sản xuất phần nhiều bị ảnh hưởng gián tiếp, có thể hoạt động tương đối ổn trong thời gian cho phép, các ngành dịch vụ lại chịu ảnh hưởng trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh các ngành về giáo dục, văn hóa, du lịch, ẩm thực, nhà hàng khách sạn… đang gặp rất nhiều khó khăn vì người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế du lịch, tụ tập đông người theo yêu cầu của Chính phủ.

Điều này khiến cho doanh số và hoạt động của các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí nhiều đơn vị đã phải tạm ngưng hoạt động để không bị đánh thuế. Để khắc phục khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp tích cực, hiệu quả…,đó là đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các kênh của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Theo đó, siêu thị Co.opmart Biên Hòa đang kích thích người dân mua sắm trực tuyến bằng hình thức vận chuyển miễn phí trong thành phố với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200 nghìn đồng. Ngoài ra, những khách hàng thân thiết của hệ thống này cũng có thể sử dụng điện thoại để gọi đến các siêu thị gần nhất đặt hàng và được giao miễn phí tại nhà.

Tương tự, để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, hệ thống siêu thị Big C tại TP.Biên Hòa đang tăng cường hình thức bán hàng thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hằng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm sự tươi ngon. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, để giúp các daonh nghiệp vượt qua khó khăn, đơn vị này đang tiến hành khảo sát khó khăn của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để kiến nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ. Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin qua website: https://diza.dongnai.gov.vn hoặc văn bản về địa chỉ của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong thời gian này, tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan cần phải nắm bắt cụ thể khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Đồng thời cắt bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, giúp doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh. Nếu cần thiết, phải kiến nghị các bộ, ngành trung ương đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực