Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu vẫn là nhỏ và siêu nhỏ

Thứ sáu, 12/07/2019 17:47
(ĐCSVN) - Thực tiễn cho thấy, những thành tựu của kinh tế tư nhân là rất quan trọng, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, nhìn chung khu vực kinh tế tư nhân còn không ít tồn tại, hạn chế. Khu vực doanh nghiệp tư nhân tuy năng động, nhưng chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Sản xuất gạch men tại Công ty cổ phần Vĩnh Thắng. (Ảnh: Đ.H)

Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ở Việt Nam có sự luân chuyển mạnh, trong đó số lượng các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và số lượng doanh nghiệp đóng cửa đều tăng lên trong những năm qua. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tổng cộng có 107.000 doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm dừng kinh doanh trong năm 2018, so với 73.000 doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2017. Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm 2019 là 21.100 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, những lý do chính dẫn đến giải thể hoặc tạm dừng kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm khó khăn về tìm kiếm thị trường phù hợp, năng lực cạnh tranh thấp của sản phẩm và doanh nghiệp trong nước, hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính và lao động. Nhưng mặc dù có những thách thức như trên, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới vẫn liên tục vượt trội so với số lượng doanh nghiệp bị giải thể. Điều này cũng thể hiện qua con số của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 860,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 27,7%.

Từ những số liệu trên cho thấy, dù phát triển năng động, khu vực tư nhân trong nước vẫn chủ yếu do số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chi phối, với 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Mặc dù các doanh nghiệp trên tạo ra phần lớn việc làm cho nền kinh tế nhưng nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến đơn giản và lĩnh vực dịch vụ như buôn bán nhỏ lẻ và nhà hàng, có năng suất tương đối thấp. Hầu hết đều tập trung vào thị trường trong nước, chỉ có ít doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Các doanh nghiệp đó thường không đủ quy mô, khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ để trở thành đơn vị sản xuất hiệu quả.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, nhu cầu chính sách quan trọng nhất là phải tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp. Việt Nam tuy đã đạt được nhiều tiến triển về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn những khiếm khuyết nhất định. Do đó, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần rà soát lại chương trình chính sách về cạnh tranh nhằm củng cố những thể chế hỗ trợ cạnh tranh đồng thời phân cấp đầy đủ quy trình ra quyết định để tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp đều có khả năng tiếp cận công bằng các yếu tố sản xuất chính, như đất đai, tín dụng, lao động và công nghệ.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần triển khai cải cách nhằm chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế để đẩy mạnh đầu tư tư nhân và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước; tập trung nhiều hơn vào vai trò kiến tạo và tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực