Đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững

Thứ tư, 07/12/2016 00:01
(ĐCSVN) - Ngày 6/12, tại Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban ngành, các cơ sở nghiên cứu, các công ty thủy điện; UBND các huyện, xã và cộng đồng dân cư địa phương có thủy điện đến từ Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đắk Nông. 

Ông Huỳnh Phước, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh:KS)

Hội nghị là cuộc đối thoại đa chiều giữa các bên liên quan gồm: các tổ chức đại diện cho nhân dân, nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà làm chính sách, người bị ảnh hưởng, truyền thông và các tổ chức xã hội… qua đó giúp người dân có cơ hội đối thoại trực tiếp, phản ánh các vấn đề về thủy điện và đời sống của họ. Đồng thời, cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức và các cấp chính quyền để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Phước, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng cho biết: Việt Nam là một trong số các quốc gia có tiềm năng lớn về thủy điện với hơn 2.372 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục với tiềm năng thủy điện lý thuyết khoảng 35.000 MW. Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam đến năm 2015, Việt Nam đã khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện toàn quốc. Do chiếm một tỷ lệ lớn trong hệ thống điện quốc gia, thủy điện đang có một vai trò  rất quan trọng trong mạng lưới điện Việt Nam. An ninh năng lượng hiện tại và tương lai gần đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng được sản xuất từ nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên sự hiện diện dày đặc của các công trình thủy điện lớn nhỏ ở khắp các hệ thống sông suối của Việt Nam và đặc biệt là miền Trung đang là thực tế cần nhìn nhận.

Các công trình thủy điện đã và đang có tác động to lớn đến cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường sống, sự an toàn của con người trước và sau công trình thủy điện. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động tiêu cực lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai và những sự cố gần đây cho thấy thủy điện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và thách thức đối với môi trường sinh thái, xã hội và an toàn của con người. Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến các công trình thủy điện như: mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong mùa lũ; giảm mạnh sản lượng điện vào mùa khô; gia tăng tranh chấp giữa các nhu cầu dùng nước hạ lưu và giảm hiệu quả kinh tế của các đập thủy điện. Việc đầu tư xây dựng dày đặc hệ thống thủy điện ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng gây thiệt hại đáng kể về môi trường, kinh tế, xã hội như:  ngập lụt và xói lở bờ sông; suy giảm tài nguyên rừng; vấn đề đền bù, di dân tái định cư…

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh:KS)

Trước thực tế trên, các đại biểu cho rằng giải pháp quan trọng nhất là phải đảm bảo sự tham gia của cộng đồng, nhất là người dân các địa phương có dự án thủy điện từ việc giám sát cho đến thi công, vận hành các công trình. Nhóm nghiên cứu đề nghị cần cải thiện các kỹ năng đối thoại của người dân với các bên liên quan từ các cấp xã, huyện tới cấp tỉnh; cải thiện kỹ năng thu thập phân tích thông tin và sắp xếp lưu trữ dữ liệu, số liệu để sử dụng trong đàm phán với các bên liên quan hoặc khiếu nại; nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân, các đại diện và đại biểu của họ để làm căn cứ trong các cuộc đối thoại hoặc tranh tụng khi khiếu nại về đền bù và tái định cư. 

Tại hội nghị, với quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tại các khu vực khác nhau, các nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra những tham luận với nhiều vấn đề như:  Tác động của các dự án thủy điện tới cộng đồng; trồng rừng bồi hoàn trong xây dựng thủy điện ở Việt Nam; những vấn đề kinh tế và xã hội hậu tái định cư; phát triển thủy điện và quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn... Các tham luận này đã đặt ra những vấn đề thực tế của thủy điện cần giải quyết đồng thời cũng đưa ra những giải pháp mang tính bền vững cho phát triển thủy điện. Theo các đại biểu, phát triển thủy điện là bài toán đánh đổi, vì vậy sự đánh đổi cần phải được nhìn nhận cặn kẽ, thấu đáo và thận trọng. Phát triển thủy điện cần phải cân nhắc để bảo đảm hài hòa an ninh nguồn nước – lương thực – năng lượng và an ninh con người vì sự phát triển bền vững của đất nước./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực