Đồng bằng sông Cửu Long: Năng suất cá nước ngọt tăng cao

Thứ hai, 21/06/2010 11:09

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, các tỉnh ĐBSCL đưa 195.000 ha mặt nước vào nuôi cá nước ngọt, năng suất bình quân vụ I rất cao, đạt 7 tấn/ ha, tăng 4,5 tấn so năm 2001với phương thức thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến.

Trong đó, năng suất nuôi đạt cao nhất ở các tỉnh thượng nguồn sông Hậu và sông Tiền như An Giang, Đồng Tháp và Tp. Cần Thơ. Hình thức chủ yếu là nuôi trên ruộng trũng (chiếm 59% diện tích), tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ với hình thức luân canh, xen canh kết hợp trong ruộng lúa. Nuôi ao hồ, mương vườn tập trung ở các tỉnh ven sông thuộc trung và hạ lưu sông Tiền và sông Hậu như Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang và nuôi đăng quầng phổ biến vào mùa mưa lũ ở khu vực 2 bên sông Tiền, sông Hậu và Đồng Tháp Mười ( chiếm khoảng 36% diện tích toàn vùng).

Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống như mè, rô phi, rô đồng, điêu hồng, cá thác lác, cá tra, cá lóc...Riêng cá tra, năng suất đạt rất cao, nhiều nơi đạt 400-500 tấn/ha/năm (2 vụ). Cá lóc cao sản được nuôi trong ao đìa ở các vùng lũ sâu như Tam Nông, Tràm Chim (Đồng Tháp), Mộc Hóa, Tân Hưng (Long An), Tri Tôn, Thoại Sơn (An Giang), năng suất nuôi trong mùa lũ đạt 100-200 tấn cá/ha/vụ. Sản lượng cá nước ngọt năm nay ước đạt 1,365 triệu tấn, tăng 350.000 tấn so năm 2009, chủ yếu là sản lượng cá tra, cá lóc.

Trước đây việc nuôi cá da trơn ở ĐBSCL (chủ yếu là cá tra và cá ba sa) chủ yếu là lồng bè,. Nhưng do sản xuất con giống cá ba sa không có hiệu quả (chi phí cao) và hiệu quả nuôi thấp (tăng trưởng chậm, thời gian nuôi dài) nên hiện nay người dân đã chuyển dần sang nuôi cá tra ao, đăng quầng. Tổng diện tích nuôi da trơn năm nay là 8.600 ha, tăng 1.440 ha so năm 2009, tập trung ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long và An Giang. Trong 10 năm qua, cá tra tăng trưởng mạnh về sản lượng và tỷ trọng trong cơ cấu sản lượng nuôi nước ngọt. Năm 2001, sản lượng cá tra của vùng đạt 106.427 tấn, chỉ chiếm 45% tổng sản lượng cá nước ngọt. Đến năm 2009 tăng lên 1.029.910 tấn, chiếm 72%. Số lượng các cơ sở ương dưỡng và sản xuất giống cá tra tăng liên tục trong 10 năm qua, đáng kể nhất là tại Đồng Tháp. Năm 2001địa phương này chỉ có 52 cơ sở sản xuất, nay tăng lên trên 1.000 cơ sở. Trước năm 2000 nguồn giống cá tra, ba sa cung cấp cho nuôi thương phẩm phụ thuộc nhiều từ nguồn giống tự nhiên. Từ năm 2001 đến nay, hầu hết diện tích nuôi trong vùng sử dụng con giống sản xuất nhân tạo với số lượng từ gần 1 tỉ con (năm 2001) lên 2,6 tỉ con năm 2009, đáp ứng gần 100% nhu cầu. Giống các loài nước ngọt khác như rô phi, điêu hồng, bống tượng, lóc bông, thát lát, sặc rằn, tai tượng, trê lai, mè vinh…không chỉ cung ứng trong vùng mà còn cung ứng cho nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực