Đồng bằng sông Cửu Long: Người chăn nuôi vẫn gặp khó khi giá lợn hơi ở mức thấp

Thứ hai, 11/12/2017 15:39
(ĐCSVN) – Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi lợn ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thua lỗ nặng do giá lợn hơi luôn ở mức thấp, thậm chí dưới giá thành chăn nuôi.
Người chăn nuôi lợn ở ĐBSCL không dám tái đàn vì giá lợn hơi vẫn đang ở mức thấp. (Ảnh: K.V)

Tại các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… giá lợn hơi chỉ ở mức khoảng từ 28.000 đến 30.000 đồng/kg, tương đương 2,8 đến 3 triệu đồng/tạ. Theo nhiều hộ chăn nuôi lợn, với mức giá này, xuất bán mỗi con lợn khoảng 100 kg, người nuôi bị lỗ từ 500.000 đến 700.000 đồng.

Thời gian gần đây, mặc dù giá lợn giống giảm xuống chỉ còn ở mức 250.000 đến 500.000 đồng/con (khoảng từ 10 đến 15kg/con), nhưng giá thức ăn gia súc và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi lợn như: thuốc thú y, tiền điện nước, công chăm sóc…vẫn ở mức khá cao. Do vậy, giá thành chăn nuôi vẫn ở mức khá cao dù nhiều hộ dân đã cố gắng giảm chi phí chăn nuôi bằng cách sử dụng các loại thức ăn tự chế để thay thức ăn công nghiệp chế biến sẵn.

Giá thịt lợn hơi giảm thấp được cho là do cung vượt cầu. Để tiêu thụ bớt lượng lợn tồn đọng, nông dân tại nhiều địa phương đang tiếp tục giết mổ lợn và đem thịt bán với giá 100.000 đồng/3 kg, thậm chí 100.000 đồng/4 kg.

Tại tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, giá lợn hơi tăng, giảm thất thường khiến người nuôi lo lắng. Theo những hộ chăn nuôi lợn ở huyện Cai Lậy, giá lợn hơi thương lái thường thu mua từ 2,8 đến 2,9 triệu đồng/tạ, với giá này, người nuôi lợn lỗ tối thiểu 2 triệu đồng/tạ. Ông Nguyễn Chí Hùng, một hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại tại huyện Chợ Gạo cho biết, giá lợn thấp hơn giá thành nên người nuôi lỗ nặng. Trang trại ông nuôi quy mô 70 con lợn nái, 1.000 con lợn thịt. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, gia đình ông lỗ không dưới 500 triệu đồng. Trước tình hình đó, ông đã giảm đàn lợn nái xuống chỉ còn 40 con lợn nái và lợn thịt còn 600 con. Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp trong đó chăn nuôi giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, giá lợn hơi bấp bênh, người chăn nuôi thua lỗ nên tổng đàn lợn lợn tại Tiền Giang có xu hướng giảm. Toàn tỉnh hiện còn tổng đàn trên 500.000 con, giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm trước.

Tỉnh Bến Tre cũng đang ở trong tình trạng tương tự như Tiền Giang, bởi đây cũng là địa phương có số lượng lợn thịt lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, do giá lợn lên xuống thất thường, và giá lợn hạ thấp hơn mức đầu tư cho chăn nuôi nhiều ngày qua, người nông dân đã lỗ nặng, để giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, các cấp, ngành ở Bến Tre đã đưa ra nhiều biện pháp. Ông Lê Công Thành, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre cho biết, trước mắt ngành ngân hàng thực hiện cho vay lãi suất giảm 2,5%/năm so với bình thường đối với người chăn nuôi, trang trại, doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi lợn. Các ngân hàng thương mại đang theo sát để hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, kéo dài kỳ hạn nợ vay, cho vay mới… Tuy nhiên, về lâu dài, Bến Tre cần quy hoạch giảm đàn, cân đối cung - cầu, liên kết doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị để ổn định giá, phát triển bền vững.

Lãnh đạo các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc cũng đề xuất giải pháp ứng cứu người chăn nuôi, đó là cần có cơ chế thoáng cho người kinh doanh, mua bán thịt lợn trên địa bàn nhằm mở rộng, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ, bán lẻ. Đồng thời, hạ giá bán lẻ xuống hợp lý, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm thịt lợn. Một số đơn vị, cơ quan có chỉ đạo ưu tiên lựa chọn thịt lợn, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ lợn thịt tại các chợ. Đây được xem là giải pháp thiết thực hỗ trợ giải cứu người chăn nuôi trong thời điểm cấp bách như hiện nay.

Tại tỉnh Hậu Giang tình hình chăn nuôi lợn cũng đang gặp nhiều khó khăn, khi giá lợn hơi giảm nghiêm trọng. Ông Trương Ngọc Trưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang nhận định, tùy điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, tùy trình độ chăn nuôi, nguồn phụ phẩm có hay không mà mỗi hộ chăn nuôi có mức đầu tư khác nhau. Theo tính toán, trung bình 1kg lợn hơi, người nông dân đầu tư ít nhất khoảng từ 28.000 đến 32.000 đồng, nhưng với mức giá bán hiện tại thì người chăn nuôi đang cầm chắc phần thua lỗ.

Ông Nguyễn Thanh Tiến, chủ hộ chăn nuôi lợn ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy cho biết, do trông chờ vào giá thịt lợn hơi giảm rồi lại tăng theo biến động thị trường trong thời gian ngắn nên nhiều hộ dân đã giữ lợn trong chuồng, đợi giá tăng trở lại mới bán. Thế nhưng, chờ đợi cả mấy tháng mà giá lợn không thay đổi, nên người nuôi đành bỏ cuộc bán lợn với mức rẻ. Bởi càng cầm cự lâu thì chi phí thức ăn đội lên làm khoản tiền thua lỗ càng nhiều.Trung bình mỗi con lợn nuôi mất thời gian khoảng 4 đến 5 tháng. Nhưng với giá thu mua như hiện nay, mỗi con lợn 100kg lỗ không dưới 1 triệu đồng chi phí chăn nuôi.

Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, qua khảo sát, giá thành một tạ lợn hơi trên địa bàn ở mức khoảng 3,8 triệu đồng bao gồm các chi phí cần thiết gồm con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, công chăm sóc.. Với giá thu mua lợn hơi như trên thì người nuôi cầm chắc lỗ. Do vậy, về lâu dài hộ chăn nuôi phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng VietGAP nhằm giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh để phát triển chăn nuôi bền vững và mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực