Đồng bằng sông Cửu Long: Sản lượng rau màu và trái cây tăng cao

Thứ tư, 17/01/2018 16:17
(ĐCSVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 sản lượng rau màu, cây ăn trái tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng khá cao so với năm 2000, nguyên nhân là do nhà vườn biết áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo đó, trong giai đoạn 2012-2017, sản lượng ngô trong vùng gia tăng vượt trội từ 217,2 nghìn tấn năm 2012 lên 225 nghìn tấn năm 2017, do các địa phương tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh trong sản xuất. Các loại rau, đậu thực phẩm cũng được phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Năm 2000, tổng diện tích rau, màu các loại toàn vùng là 96 nghìn ha, đạt sản lượng khoảng 1,18 triệu tấn, đến năm 2017 diện tích đạt 230 nghìn ha, sản lượng đạt trên 4 triệu tấn.

Riêng cây ăn trái được trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khá lớn. Đến nay, diện tích cây ăn trái toàn vùng lên xấp xỉ 300.000 ha, chiếm gần 40% diện tích cả nước. Đặc biệt trong những năm qua nhờ áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nên sản lượng cây ăn trái ở khu vực này đã gia tăng đáng kể. Sản lượng trái cây năm 2017 đạt 4 triệu tấn, tăng khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2011.

Vùng trồng dứa VietGAP ở Tiền Giang (Ảnh: K.V) 

Nhiều cây ăn trái đặc sản có lợi thế ở Đồng bằng sông Cửu Long được phát triển nhanh và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó có một số giống đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền thương hiệu, như: xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Ri6, bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Năm Roi, cam sành (Vĩnh Long), xoài Châu Nghệ (Trà Vinh) và một số hợp tác xã và doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận chất lượng quốc gia - quốc tế như: dứa VietGAP; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, GlobalGAP, GlobalGAP (Tiền Giang); chôm chôm (Bến Tre)... Các sản phẩm này đã tạo thêm cơ hội quảng bá thương hiệu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai cho nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu, cây ăn trái, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, các địa phương trong khu vực này đã nỗ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, tổ hợp tác... , từ năm 2012 đến nay, tổ hợp tác nông nghiệp của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước phát triển mới. Điển hình như tỉnh Cà Mau hiện có tổng số 3.134 tổ hợp tác, trong đó có 1.404 tổ trồng trọt và 1.730 tổ thủy sản và là tỉnh có số tổ hợp tác phát triển nhiều nhất 13 tỉnh, thành phố trong vùng. Sản phẩm tạo ra từ các tổ hợp tác được bao tiêu, đảm bảo sản xuất có lợi nhuận cho nông dân.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần rà soát lại quy hoạch để sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý thực hiện quy hoạch; tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích các hình thức sản xuất công nghiệp, trang trại, gia trại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quy trình sản xuất sạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân nông thôn, đặc biệt hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn, đê kè bảo vệ sản xuất; tăng cường hệ thống nghiên cứu và sản xuất giống, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, hệ thống dịch vụ bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngăn ngừa dịch bệnh... /..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực