Đồng bằng sông Cửu Long tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ năm, 15/03/2018 21:49
(ĐCSVN) – Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2018 ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu chuyển đổi khoảng 118.290 ha đất trồng lúa ở những nơi kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước, bị ảnh hưởng hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long sang trồng các loại cây khác…
Cây có múi là thế mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. (K.V)

Đó là các loại cây như rau màu, cây ít sử dụng nước, cây ăn trái, nuôi thủy sản… cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa. Chỉ riêng vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện chuyển đổi được hơn 16.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây khác như ngô, lạc, đỗ tương, rau màu, cam, bưởi, xoài…

Theo đánh giá ban đầu của Cục Trồng trọt về hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tại một số vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, khi chuyển đổi các cây trồng thay thế cho cây lúa kém hiệu quả, lợi nhuận đã tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Cụ thể, lợi nhuận từ trồng bưởi Năm Roi đạt hơn 667 triệu đồng/ha/năm; nhãn lãi 464 triệu đồng/ha/năm; xoài lãi 445 triệu đồng/ha/năm; chôm chôm lãi 227 triệu đồng/ha/năm; cam sành lãi 370 triệu đồng/ha/năm…

Được biết, các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đã khuyến cáo người dân giảm diện tích trồng lúa, chuyển đổi sang rau màu có giá trị kinh tế cao. Các địa phương đã chủ động quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau, màu theo mô hình liên kết tiêu thụ và sản xuất theo hướng công nghệ cao. Củng cố và nâng chất các tổ chức hợp tác xã và tổ hợp tác. Phát triển mô hình kinh tế hợp tác cho từng vùng nguyên liệu sản xuất rau tập trung. Phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về lĩnh vực sản xuất rau màu để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ.

Đồng thời, nâng cao tỷ lệ diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp công nghệ tiên tiến như hệ thống phun tự động, hệ thống bón phân tự động… vào các mô hình trồng rau màu trong nhà lưới với các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như VietGAP, rau an toàn… có liên kết tiêu thụ nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Nâng cấp công nghệ trồng trọt và công nghệ chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm khác có giá trị gia tăng từ rau màu, thực hiện xử lý, kiểm dịch, bảo quản, đóng gói nhằm nâng cao chất lượng rau màu./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực