Đồng Nai: Phấn đấu xuất siêu 3,27 tỷ USD

Thứ tư, 01/01/2020 11:04
(ĐCSVN) - Mục tiêu mà tỉnh Đồng Nai đặt ra là tiếp tục nằm trong nhóm đầu của cả nước về phát triển công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách. Dự tính năm 2020, xuất siêu của Đồng Nai có thể đạt từ 3,6 đến 3,7 tỷ USD.
leftcenterrightdel

Dệt may là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ở Đồng Nai

(Ảnh: K.V)

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Đồng Nai là giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Trong đó, Đồng Nai có 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực giữ được mức tăng trưởng cao là giày dép và máy móc, thiết bị - phụ tùng.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong năm 2019 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm trước. Tuy nhiên, năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng chậm lại, nguyên nhân là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung khiến hàng xuất khẩu vào Trung Quốc giảm và đi các thị trường khác cũng gặp khó khăn vì chịu sự cạnh tranh gay gắt. Hàng dệt may của Đồng Nai đang xuất khẩu vào gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, thị trường chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Được biết, xuất siêu của Đồng Nai hiện đang chiếm trên 30% trong cơ cấu xuất siêu cả nước.

Từ năm 2014 đến nay, xuất siêu của tỉnh Đồng Nai tăng đều đặn, năm sau cao hơn năm trước. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù tăng trưởng xuất khẩu của Đồng Nai năm nay có xu hướng chậm lại so với những năm trước, nhưng xuất siêu vẫn tương đối bền vững và tăng đều qua các năm. Có được kết quả trên là do Đồng Nai đã bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có sự chọn lọc từ cách đây hơn 10 năm.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, để công nghiệp phát triển bền vững theo hướng tăng giá trị gia tăng, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, UBND tỉnh đã có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài có sự chọn lọc kỹ từ những năm 2008. Do đó, dòng vốn nói trên trong nhiều năm qua có đến từ 30% đến 40% đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, vì thế Đồng Nai xuất siêu sớm hơn cả nước. Trước đây, những ngành sản xuất, xuất khẩu chính của Đồng Nai cũng như cả nước như giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, máy tính, điện tử, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, phụ tùng... phải nhập khẩu nguyên liệu từ 80% đến 95% thì hiện đã giảm xuống bình quân còn từ 60% đến 70%. Trong đó, có những đơn hàng có tỷ lệ nội địa hóa đạt tới 80% - 90%.

Có được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, theo đó, nếu như trước đây, doanh nghiệp ở Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa phải qua những đối tác và nước trung gian nên khả năng cạnh tranh giảm hơn so với hàng cùng loại từ các quốc gia khác. Nhưng gần đây, các doanh nghiệp đã tìm cách xuất khẩu trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian nên sản phẩm cạnh tranh tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai cũng tận dụng tốt các cơ hội từ hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết để hưởng các ưu đãi về thuế. Để duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục khai thác tối đa thị trường truyền thống, đồng thời các doanh nghiệp cũng liên tục cải thiện quản trị, sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Nhằm giúp các doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, tỉnh Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để có thể tìm thêm những khách hàng, đơn hàng mới; kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các doanh nghiệp sản xuất để có thể cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau nhằm giảm nhập khẩu, dễ dàng hưởng được các ưu đãi về thuế khi xuất sang các thị trường Việt Nam đã ký các FTA.

Mục tiêu mà tỉnh Đồng Nai đặt ra là tiếp tục nằm trong nhóm đầu của cả nước về phát triển công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách. Dự tính năm 2020, xuất siêu của Đồng Nai có thể đạt từ 3,6 đến 3,7 tỷ USD.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực