Đồng Nai phát huy thế mạnh trồng cây ăn trái

Thứ tư, 13/11/2019 15:24
(ĐCSVN) - Ðược thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước..., nhiều địa phương ở Đồng Nai rất thích hợp trồng cây ăn trái nhiệt đới với các chủng loại phong phú có giá trị kinh tế cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 52 nghìn ha, tăng trên 800 ha so với năm 2018. Các cây trồng có diện tích tăng mạnh là chuối, thanh long, cam, bưởi… Không chỉ tăng về diện tích, sản lượng các cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng tăng cao, cụ thể sản lượng xoài đạt trên 48,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; chuối đạt gần 50,5 nghìn tấn, tăng 4,5%; sầu riêng đạt 7 nghìn tấn, tăng gần 1,4%; chôm chôm đạt trên 98,8 nghìn tấn, tăng 2,2%; bưởi đạt trên 15 nghìn tấn, tăng gần 4%...

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, với diện tích cây ăn trái trên, hàng năm tỉnh đã cung cấp ra thị trường trên 400 nghìn tấn sản phẩm. Từ chương trình đầu tư phát triển cây trồng chủ lực, đến nay, Ðồng Nai đã hình thành được các vùng chuyên canh với diện tích lớn như sầu riêng trên 1.700 ha, bưởi trên 700 ha, xoài trên 7.700 ha...

Vùng chuyên canh bưởi Tân Triều- Vĩnh Cửu- Đồng Nai (Ảnh: K.V)

Việc quy hoạch tập trung cây trồng đã mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, đó là việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào các vùng chuyên canh cũng tiện lợi hơn trước khi còn canh tác nhỏ lẻ. Do đó, năng suất cây trồng tăng từ 30% đến 80%, chất lượng nông sản được cải thiện rõ rệt, vì thế lợi nhuận của nông dân từ các loại cây trồng này từ 100 đến 200 triệu đồng/ha, thậm chí ở Hợp tác xã xoài Suối Lớn, huyện Xuân Lộc đã cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm.

Nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai ra thị trường thế giới, trong đó có sản phẩm trái cây, nguồn sản phẩm dồi dào của địa phương này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” theo Quyết định số 3066/QĐ-UBND ngày 27/9/2019.

Các mục tiêu cụ thể được đặt ra trong đề án, trong đó mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản trở thành ngành mũi nhọn của Đồng Nai, chiếm tỉ trọng 25-35% tỉ trọng GRDP của tỉnh, thu hút khoảng 20-30% lực lượng lao động của tỉnh. Đồng Nai trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về đổi mới sáng tạo và cung ứng công nghệ về công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản. Đề án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2019-2030. Trong đó xác định 7 nhóm mặt hàng có lợi thế, thế mạnh của tỉnh để tập trung các giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm trong đó có trái cây, cà phê, điều, tiêu…

Đề án cũng đã xác định các nhóm giải pháp gắn với từng giai đoạn cụ thể, kinh phí thực hiện để thúc đẩy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở đánh giá tác động của hội nhập quốc tế, thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện đề án, UBND tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo triển khai các hướng đột phá thực hiện đề án, thành lập các nhóm công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành liên quan và thành lập trung tâm tổng thể về xúc tiến đầu tư, thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp giai đoạn 2021-2025…/..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực