Đồng Tháp đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng chợ

Thứ năm, 19/10/2017 10:08
(ĐCSVN) – Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, hiện trên địa bàn tỉnh này có 252 chợ. Trong đó, có 27 chợ do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác.
Chợ nổi trên sông Tiền (Ảnh: K.V)

Thực hiện Nghị định số 02 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, tỉnh Đồng Tháp ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách, quy hoạch nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển chợ.

Đối với các chợ loại I, loại II được bố trí tại các trung tâm thị xã, thị trấn nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt hiệu quả cao, phục vụ tốt cho nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Đồng thời, chợ trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ làm đầu mối phân phối, cung cấp hàng hóa cho các chợ xã lân cận. Các chợ loại III và chợ tự phát, đa phần được xây dựng tại nông thôn, vùng ven thị xã, thị trấn, đóng vai trò là nơi cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân vùng nông thôn.

Riêng chợ đầu mối trái cây của tỉnh Đồng Tháp được xây dựng năm 2004, có tổng vốn đầu tư 18,4 tỷ đồng. Với quy mô là chợ đầu mối trái cây của tỉnh và khu vực, sở hữu hạ tầng kỹ thuật đảm bảo nên việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, các nhà vựa khá thuận lợi.

Tính đến nay, chợ đã thu hút được 41 thương nhân đầu tư xây dựng, 60 nhà vựa kinh doanh mua bán trái cây để cung ứng nông sản cho thị trường toàn quốc và phục vụ xuất khẩu. Không chỉ tiêu thụ trái cây trong tỉnh, chợ đầu mối còn thu mua trái cây các tỉnh lân cận như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước...

Từ năm 2003 đến nay, số lượng chợ cải tạo, nâng cấp và di dời trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là 254 chợ với tổng số vốn đầu tư thực hiện gần 500 tỷ đồng. Việc xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ ở Đồng Tháp, bước đầu đã thu hút được một số đơn vị tham gia, với số vốn đầu tư trên 268 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn xây dựng chợ của các địa phương, cũng như giảm bớt chi phí đầu tư công trong công tác này.

Theo đó, mạng lưới chợ được phân bố đều trên toàn tỉnh, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đồng đều hơn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đáp ứng nhu cầu người dân ngày càng tốt hơn.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện nâng cấp các chợ bán lẻ ở khu vực nông thôn và khuyến khích chuyển đổi các chợ bán lẻ truyền thống ở khu vực đô thị thành các siêu thị tổng hợp, siêu thị nông sản thực phẩm quy mô lớn; khuyến khích và hỗ trợ các chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm ở thành phố, trong và ngoài tỉnh đến mua hàng trực tiếp ở nông thôn; hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà cung ứng bán nông sản vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng ở thành phố; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trong nước, người Việt ưu tiên dùng hàng việt.

Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng trung tâm xuất khẩu nông, thủy sản với phương châm các chợ đầu mới sẽ hình thành trung tâm xuất khẩu nông, thủy sản, là nơi giao dịch ký kết các hợp đồng mua bán và tập kết nông, thủy sản của vùng lân cận để thực hiện các hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức xúc tiến thương mại; thông qua sự hợp tác với Trung tâm thương mại của người Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm để giới thiệu hàng hóa của tỉnh đến người tiêu dùng; đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Để phát triển bền vững và ổn định các mặt hàng chủ lực, tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ trợ lãi suất đầu tư cho các dự án phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến nông thủy sản; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; hỗ trợ các họat động nghiên cứu khoa học, khuyên nông.

Là một tỉnh chủ yếu sản xuất nông sản nên Đồng Tháp coi việc làm thế nào để tiêu thụ hiệu quả hàng nông sản cho người dân là vấn đề cấp bách. Cũng bởi thế, việc quy hoạch phát triển các thị trường trọng điểm cho các mặt hàng nông sản là giải pháp hữu hiệu để góp phần đưa kinh tế nơi đây phát triển.

Liên quan đến phát triển hệ thống chợ với đa dạng các loại hình, những năm qua tỉnh Đồng Tháp còn chú trọng phát triển mạng lưới chợ nông sản điện tử. Theo đó, để các hàng hóa chủ lực có thể lưu thông và phân phối hiệu quả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch phát triển mạng lưới các chợ bán buôn nông sản hiện đại theo hướng mua bán chuyên nghiệp và đấu giá, thanh toán qua hệ thống điện tử.

Với mục tiêu đến năm 2020, mặt hàng gạo xuất khẩu đạt 400.000 tấn; thủy sản đạt 150.000 tấn; trái cây 10.000 tấn; hàng dược 1.850 triệu viên, tỉnh Đồng Tháp đã phê chuẩn Quy hoạch phát triển thị trường trọng điểm cho các mặt hàng trên. Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình doanh nghiệp quy mô theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp; phát triển mạng lưới các chợ bán buôn nông sản hiện đại theo hướng mua bán chuyên nghiệp và đấu giá, thanh toán qua hệ thống điện tử để gắn kết doanh nghiệp với các nhà sản xuất nông sản; xây dựng trung tâm xuất, nhập khẩu hàng nông sản mua hỏng, xây dựng và quản lý hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ đầu mối bán buôn lúa gạo, thủy sản, rau quả./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực