Dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 đạt trên 5%

Thứ ba, 07/07/2020 16:59
(ĐCSVN) - Trong năm 2020, khả năng tăng trưởng kinh tế ở mức trên 5% khi Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước đang hoạt động bình thường trở lại. Các năm tiếp theo, khả năng tăng trưởng cao và ổn định cũng tương đối rõ khi các động lực, nhân tố cho tăng trưởng kinh tế được củng cố.
leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ. (Nguồn :vovworld.vn) 

Đó là nhận định của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Báo cáo “Một số vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020”.

Theo Báo cáo, kinh tế Việt Nam đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất của đại dịch COVID-19 và đang có dấu hiệu phục hồi, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch này. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hoạt động thương mại đóng vai trò quan trọng nên việc đại dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng. Trong ngắn hạn, cần tiếp tục phải nâng cao cảnh giác với sự xâm nhập của dịch COVID-19 từ bên ngoài, không để dịch bệnh tái phát. Việt Nam cần nhận thức rõ chi phí để phòng dịch luôn thấp hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra khi dịch bệnh lan tràn. Mặt khác, cần tận dụng cơ hội này để củng cố và nâng cao nội lực của nền kinh tế, tập trung cải thiện các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, kỹ năng lao động,… Qua đó, giúp kinh tế Việt Nam vững vàng vượt qua giai đoạn nhiều biến động khó lường này của kinh tế thế giới.

Khái quát về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Báo cáo cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn khác biệt. Giai đoạn đầu tiên đánh dấu sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 với nguy cơ cao về lây nhiễm trong cộng đồng và toàn quốc được đưa vào tình trạng “giãn cách xã hội”. Giai đoạn tiếp theo, nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau khi thời kỳ giãn cách xã hội và các gói hỗ trợ được triển khai. Kết quả của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, quý I tăng trưởng GDP đạt 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm qua (2011 - 2020). Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm sụt giảm chuỗi cung ứng và suy giảm nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu,… Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng ước tính tăng 1,81%. Tuy nhiên, sau khi giai đoạn giãn cách xã hội kết thúc và dịch COVID-19 suy yếu tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế được phép khởi động trở lại, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm sẽ cao hơn so với 6 tháng đầu năm và kéo tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nếu trong 6 tháng cuối năm 2020, dịch bệnh COVID-19 không bùng phát trở lại, cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng và đầu tư công, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức khả quan. Theo đó, Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng đạt hơn 5%.

Để nền kinh tế nước ta phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Báo cáo đã đề xuất một số giải pháp. Cụ thể:

Cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vì đây vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Do đó, cần đảm bảo tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, ổn định dưới 4%/năm. Chú ý giải quyết vấn đề bội chi ngân sách, nợ công và nợ xấu sau thời kỳ COVID-19 vì trong giai đoạn COVID-19 hoành hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên thu ngân sách hạn chế, trong khi đó chi ngân sách lại rất lớn nhằm kích thích nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Điều này làm cho bội chi ngân sách và nợ công gia tăng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn do đại dịch không thể trả được nợ ngân hàng, làm cho nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh với chi phí giao dịch thấp. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ thường xuyên chú trọng trong những năm qua. Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới khi mà những nước cạnh tranh trực tiếp với nước ta trong thu hút FDI như Thái Lan, Malaysia vốn dĩ đã mạnh lại đang có những chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và giảm thiểu chi phí giao dịch cần phải ứng xử công bằng, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cả hạ tầng cứng như giao thông, cảng,… cũng như hạ tầng xã hội như trường học, hệ thống y tế.

Nâng cao hiệu quả của các gói hỗ trợ theo nguyên tắc đúng địa chỉ, đúng thời điểm và đúng đối tượng. Các gói tiền tệ - tín dụng, gói tài khoá và đặc biệt là gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho 20 triệu lao động đã được thiết kế và triển khai. Các gói được triển khai nhanh và có thể coi là đúng liều lượng, nhưng việc đến đúng địa chi người nhận là vấn đề khó. Trong mùa dịch vừa qua, nhiều khoản hỗ trợ đã không đến đúng địa chỉ người nhận. Do vậy, cần có sự giám sát, hỗ trợ công khai, minh bạch. Và nếu nền kinh tế đã dần ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi căn bản, cần thực hiện chiến lược rút dần các gói hỗ trợ nhằm củng cố cho ngân sách,…/.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực