Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 là 6,86%

Thứ năm, 11/07/2019 17:01
(ĐCSVN) – TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019” đã nêu ra dự báo tăng trưởng kinh tế chung cả năm sẽ đạt 6,86%.

Trong đó, dự báo tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản là 3,02%; công nghiệp và xây dựng 8,61% và dịch vụ 6,84%.

Tọa đàm “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019” (Ảnh: HNV)

Sáng 11/7, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019”.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội khẳng định, nửa đầu năm 2019, căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn khiến đầu tư và thương mại thế giới không khả quan như dự báo. Hoạt động kinh tế ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng Euro, kém sôi động. Tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nước phát triển chậm lại. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 6,76%, tuy không cao bằng cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2017. Ổn định vĩ mô được duy trì, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ trong tầm kiểm soát, thị trường tài chính tiền tệ không có nhiều biến động lớn, cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo. Kết quả này là do sự điều hành kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp được chính phủ ban hành nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Giám đốc Trần Thị Hồng Minh cảnh báo, kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức: ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn chịu tác động tiêu cực từ dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản giảm do áp lực cạnh tranh và rào cản thương mại từ Trung Quốc; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm; nguy cơ lạm phát vẫn còn thường trực do tác động của nhiều yếu tố như xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ giáo dục, y tế.

Cũng theo bà Minh, trong những tháng cuối của năm 2019, kinh tế thế giới dự kiến đạt mức tăng trưởng khá mặc dù tốc độ tăng dự báo sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Do kỳ vọng vào sự ổn định của các nền kinh tế lớn trên thế giới, tăng trưởng thương mại và đầu tư vẫn sẽ được duy trì, qua đó ảnh hưởng tích cực đến kinh tế Việt Nam. Trong nước, việc Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách và nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tận dụng những cơ hội của việc hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới sẽ là yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam năm 2019.

Phân tích khái quát về Báo cáo này, TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh, Báo cáo được xây dựng nhằm phân tích, đánh giá một số nét lớn, nổi bật về tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong 6 tháng đầu năm 2019, cập nhật kịch bản dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội vĩ mô chính năm 2019; Đồng thời, đánh giá một số nhân tố nổi bật tác động đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, tác động của các nhân tố này đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với mục đích nhằm góp phần vào việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và công tác triển khai xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang được tiến hành tại các cấp, các ngành.

Theo TS Đặng Đức Anh, trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 6,76%, tuy không cao bằng cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2017. Công nghiệp-xây dựng vẫn là khu vực kinh tế giữ vai trò đầu tàu kéo tăng trưởng chung toàn nền kinh tế, mặc dù tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành chế biến, chế tạo không cao như cùng kỳ năm 2018. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù gặp nhiều thách thức do phải đối mặt với dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng và những khó khăn từ xuất khẩu nông sản song vẫn duy trì mức tăng trưởng khá ổn định. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức khá nhờ sự đóng góp đáng kể của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ. Hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng tuy không cao như mức tăng đột biến cùng kỳ 2018 nhưng cũng ghi nhận những dấu ấn tích cực, đóng góp vào thành tích tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Ổn định vĩ mô tiếp tục được duy trì. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,64% so với cùng kỳ và là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tình hình tài chính – tiền tệ ổn định. Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực.

Trên đà này, TS Đức Anh dự báo, những tháng cuối của năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục dựa vào kết quả hoạt động của khu vực sản xuất công nghiệp và cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ ở mức 6,86% (thấp so với mức 7,08% tương ứng của năm 2018). Trong đó, tăng trưởng của ba khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ lần lượt là 3,02%; 8,61% và 6,84%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2018.

GS.TS Nguyễn Quang Thái, Chuyên gia kinh tế trình bày tại Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Một số đại biểu là các chuyên gia kinh tế tham gia Tọa đàm, như GS.TS Nguyễn Quang Thái, GS.TS Lê Xuân Sang cũng nhất trí cao với một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019. Trong đó, khẳng định, để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ đóng vai trò quan trọng trong quản lý điều hành kinh tế. Tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA (đặc biệt đối với các mặt hàng có xu hướng tăng trưởng tốt như dệt may, da giày, đồ gỗ); tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới. Kiểm soát lạm phát trên cơ sở theo dõi sát diễn biến giá dầu thế giới và tính toán lộ trình, phạm vi tiếp tục điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý (như giá dịch vụ y tế, giáo dục); tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm. Thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng hơn trong bối cảnh chính sách tiền tệ đã tương đối mở rộng trong những năm qua (tỷ lệ M2 và tín dụng/GDP hiện ở mức cao), không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng, ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng giá và lãi suất. Phấn đấu giảm lãi suất ở phân khúc một số lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa); giám sát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng cho bất động sản, chứng khoán.

“Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019” với nội dung gồm 2 phần: Phần I: Cập nhật tình kinh hình kinh tế - xã hội Việt Nam và dự báo thời gian tới. Phần này sẽ làm rõ những vấn đề nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019, đồng thời chỉ rõ xu hướng diễn biến của một số chỉ tiêu vĩ mô chính, phân tích những thuận lợi trong phát triển kinh tế cũng như những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2019 từ đó đưa ra kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô lớn cả năm 2019; Phần II: Một số nhân tố tác động đến kinh tế Việt Nam thời gian tới, với các nội dung nhằm phân tích và đánh giá một số yếu tố nhiều khả năng tác động đến kinh tế Việt Nam thời gian tới như: Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung; kinh nghiệm điều hành chính phủ số; tác động của tầng lớp trung lưu Việt Nam thời gian tới và đưa ra dự báo về xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực