Đưa sản phẩm tỏi Lý Sơn vươn xa hơn ra thị trường quốc tế

Thứ ba, 07/07/2020 14:47
(ĐCSVN) - Tỏi Lý Sơn vừa được Cục Sở Hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao bảng chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Việc trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn có ý nghĩa lớn, nhằm nâng cao giá trị tỏi Lý Sơn, tạo công ăn việc làm cho người dân và đưa sản phẩm vươn xa hơn ra quốc tế.

Để tỏi Lý Sơn không chỉ được người dân trong nước biết đến mà còn vươn xa hơn ra quốc tế, chính quyền huyện đảo Lý Sơn nỗ lực phối hợp các đơn vị chức năng triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn”. Ngày 5/7, sản phẩm tỏi Lý Sơn chính thức được bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý, xác định được sự khác biệt về đặc thù hình thái, chất lượng của sản phẩm so với các sản phẩm tỏi cùng loại có xuất xứ từ các vùng địa lý khác. Đây là căn cứ để bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại, xử lý và ngăn chặn hành vi mạo danh tỏi Lý Sơn.

Theo chỉ dẫn, tỏi Lý Sơn có đặc điểm về hình thái và hóa học khác với tỏi các nơi khác. Cụ thể, hình dạng bé với ba chỉ số đặc thù là: củ nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng 7,87 (gram/củ); chiều cao trung bình khoảng 26,22 (mm); đường kính củ trung bình 24,95 (mm). Ngoài ra, vỏ củ và vỏ tép có màu trắng vôi đặc trưng, thịt tỏi có màu trắng ngà và sắc xanh đặc trưng; mùi vị thơm dịu đặc trương, không nồng hắc, ít cay, có vị ngọt đầu lưỡi. Về hóa học, hai đặc điểm nổi bật của tỏi Lý Sơn là hàm lượng kali và hàm lượng các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ bay hơi.

Tỏi ở Lý Sơn chỉ trồng vào vụ đông xuân với diện tích dao động từ 300 đến 350 ha/năm. Mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 1.500 đến 2.000 tấn tỏi khô với giá trị sản xuất hơn 200 tỷ đồng.

 

Nông dân huyện đảo Lý Sơn thu hoạch tỏi. (Ảnh: Hiền Cừ)

Vinh dự vì củ tỏi đất đảo được cấp chỉ dẫn địa lý, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt chia sẻ, mặc dù sản phẩm tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ từ năm 2009 nhưng nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết triệt để nạn trà trộn tỏi trồng từ các địa phương khác với tỏi trồng ở Lý Sơn hoặc hành vi mạo danh tỏi Lý Sơn để bán ra thị trường, thu lời bất chính. Điều này dẫn đến thương hiệu tỏi Lý Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm mất uy tín, giá trị sản phẩm đặc sản nổi tiếng của đất đảo, gây thiệt hại kinh tế cho nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn. Trên cơ sở đó, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi và được hỗ trợ để thực hiện dự án “Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn".

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm củ tỏi của giống tỏi trắng trồng tại đảo Lý Sơn nhằm bảo tồn giá trị và phát triển sản phẩm đặc thù truyền thống của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm tỏi Lý Sơn trên thị trường và trở thành sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia, bảo đảm sản phẩm được bảo hộ cả ở trong và ngoài nước, góp phần xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn cho rằng, sau khi sản phẩm tỏi Lý Sơn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công cụ nhận diện, quản lý, quảng bá và phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn…

Khẳng định những giá trị thiết thực của việc tỏi Lý Sơn được cấp chỉ dẫn địa lý, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cho biết, hơn 15 năm qua với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, góp phần không nhỏ vào việc hình thành các mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, từng bước thay đổi quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn đáp ứng với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,  hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển bền vững của nhóm trục sản phẩm đặc sản địa phương, trong 3 trục sản phẩm theo định hướng của Chính phủ là: sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Cục cũng đã rất nỗ lực, quan tâm, hỗ trợ trong việc thúc đẩy đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông sản ra thị trường nước ngoài, góp phần phát triển thị trường nông sản Việt Nam, khẳng định vị trí, vai trò và tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời khai thác lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thông…để mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ.

Sản phẩm tỏi đã gắn bó với người dân từ hơn nửa thế kỷ trước nhờ sự phù hợp về điều kiện tự nhiên như: đất đai, khí hậu… đã góp phần tạo nên danh tiếng, chất lượng của sản phẩm tỏi Lý Sơn, mang lại những lợi thế đặc biệt trên thị trường và người tiêu dùng. Vì vậy, tỏi Lý Sơn được nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nó không chỉ là sự ghi nhận của Nhà nước đối với một sản vật mà còn thể hiện sự tin tưởng và niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời cũng cho thấy sự đóng góp và nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm của địa phương trong quá trình phát triển.

Ông Đinh Hữu Phí hi vọng, chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn trong thời gian tới sẽ trở thành cơ sở để các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới là bước đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm gắn với lợi thế vùng miền, địa phương mà người dân Lý Sơn đã tích luỹ, lưu giữ qua nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên để làm được, cần quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tỏi trên lợi thế và đặc điểm tổ chức sản xuất, thương mại phù hợp đối với sản phẩm, đặc biệt cần dựa trên định hướng, chính sách của Nhà nước, địa phương nhằm xây dựng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về tổ chức sản xuất, chế biến thương mại phù hợp.

Bên cạnh đó hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý sau khi được bảo hộ sẽ do UBND huyện Lý Sơn quản lý do đó quá trình xây dựng các chính sách, tổ chức bộ máy quản lý cần được xây dựng và hoàn thiện nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX và người dân có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả.

Ngoài ra, UBND huyện cần tham mưu, đề nghị sở KH&CN tiếp tục có những hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân đầu tư, áp dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch đối với sản phẩm tỏi, nhằm giải quyết khía cạnh cung cầu của thị trường.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp, người dân để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình nhằm duy trì vị trí của sản phẩm trên thị trường. Hỗ trợ nguồn lực, đặc biệt là tài chính để giúp các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển kênh trị trường đối với sản phẩm tỏi mang chỉ dẫn địa lý.

Bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương thông qua chỉ dẫn địa lý là giải pháp quan trọng và cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại toàn cầu. “Mong rằng, chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn nói riêng, các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nói chung sẽ phát huy được giá trị sau khi được nhà nước bảo hộ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, thị trường một cách hiệu quả và bền vững”, Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ cho biết./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực