GDP quý 1/2020 tăng thấp, chỉ đạt 3,82%

Thứ sáu, 27/03/2020 21:36
(ĐCSVN) - GDP quý I/2020 đạt 3,82% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, dịch bệnh COVID-19 là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp như vậy.

Chiều 27/3, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý I năm 2020. Theo đó, GDP quý I/2020 đạt 3,82%. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% và khu vực dịch vụ tăng 3,2%.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu thô giảm mạnh, căng thẳng địa chính trị gia tăng; đặc biệt dịch bệnh COVID -19 bùng mạnh trên toàn cầu, nền kinh tế trong nước đã bị ảnh hưởng khá lớn. Tuy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân nhưng cơ bản nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

“Điều này cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh”- ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại họp báo (Ảnh: HNV) 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, trong cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định, sản xuất thủy sản quý I/2020 tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự lây lan mạnh dịch bệnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.

Cũng theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.


Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê và các vụ, đơn vị trực thuộc trả lời báo chí (Ảnh: HNV) 

Trong khuôn khổ họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh tới việc có điều chỉnh kịch bản tăng trưởng theo tác động của dịch bệnh COVID-19. “Ngay trong quý I, Tổng cục đã 3, 4 lần cập nhật kịch bản. Sau khi có kết quả GDP quý I, Tổng cục đã khẩn trương làm lại kịch bản tăng trưởng với hai phương án. Cụ thể, Kịch bản 1, dịch kéo dài hết quý II, dập thành công, hoạt động trở lại bình thường, thì tăng trưởng trên 5%. Kịch bản 2 là dịch bệnh kéo dài sang quý III thì vẫn tăng trưởng 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1.

Ông Lâm cũng chia sẻ, để đạt tăng trưởng cả năm 6,8%, thì phải có kịch bản mới cho từng quý nhưng quả tình rất khó đạt được trong tình hình hiện nay. Độ mở của nền kinh tế rất lớn, trên 200%, phụ thuộc nhiều bên ngoài. Các nước đang đóng cửa nên ảnh hưởng lớn, nên kịch bản 6,8% rất khó.

Điều quan trọng theo ông Nguyễn Bích Lâm là toàn hệ thống chính trị cả nước cùng nỗ lực hết sức, thực hiện đồng bộ giải pháp, đặc biệt bám sát các động lực tăng trưởng, có thể tính đến việc tháo gỡ vướng mắc về thể chế để tăng giải ngân đầu tư công, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Thêm nữa, tập trung vào tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông, lâm nghiệp thuỷ sản sang công nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đặc biệt, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, rằng: Trong khó khăn của dịch bệnh, chúng ta tìm ra cơ hội để thay đổi và phát triển. Nhìn vào tác động tích cực của dịch bệnh, dễ dàng thấy môi trường sống tốt hơn, sạch hơn, nhịp sống chậm và hài hòa hơn. Những biểu hiện của một số ngành vẫn gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh là minh chứng rõ ràng cho tác động tích cực đó, đơn cử như: bảo hiểm tăng 9%, truyền thông tăng gần 10%, cao nhất trong các quý 1. Có thể thấy, COVID -19 sẽ thay đổi quan điểm phát triển, cơ cấu kinh tế, cách tiếp cận kinh tế không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực