Giá lợn hơi ở ngưỡng 75-76 nghìn đồng/kg là giá cục bộ, không phải chủ lưu

Thứ năm, 14/11/2019 16:32
(ĐCSVN) - Trước tình hình có thông tin về giá lợn hơi tăng ở ngưỡng cao, mức 75-76 nghìn đồng/kg, ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, đây chỉ là giá cục bộ, cá biệt, không phải chủ lưu. Nguyên nhân không do thiếu nguồn cung mà có dấu hiệu về vấn đề lưu thông và tung tin.

Chiều 14/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn, đảm bảo cung – cầu thực phẩm dịp Tết”.

Quang cảnh buổi Tọa đàm (Ảnh: BT)

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tính đến hết ngày 13/11/2019, dịch tả lợn châu Phi đã diễn ra tại 8.400 xã trên cả nước, tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, tương đương khoảng 330 nghìn tấn. Từ tháng 6 đến nay, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu giảm. Trong vòng 2 tuần nay, số lượng lợn tiêu hủy trong 1 ngày giảm đi rất nhiều.

Nhìn chung, đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát trên cả nước, gần 60% số xã, 10 tỉnh, thành phố dịch bệnh đã qua 30 ngày. Trong đó, có những địa phương trọng điểm chăn nuôi lợn. Vì vậy, đây là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tái đàn.

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin để phòng bệnh, do vậy, theo ông Long, việc áp dụng các biện an toàn sinh học rất quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo đẩy mạnh nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Chăn nuôi an toàn sinh học đóng vai trò then chốt trong điều kiện hiện nay.

Trước thông tin giá lợn hơi đang tăng ở ngưỡng kỷ lục, khi một số địa phương ghi nhận ở mức giá 74-75 nghìn đồng/kg lợn hơi, ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, giá chủ lưu chính thống đang nằm trong trục 58-65 nghìn đồng/kg lợn hơi. Ở phía Nam vào khoảng 60-61 nghìn, miền Bắc từ 65-66 nghìn. Với thông tin có vùng cao hơn với 75-76 nghìn đồng/kg là giá cục bộ, cá biệt, không phải là chủ lưu. Nguyên nhân không phải do thiếu nguồn cung mà ở đây có dấu hiệu về vấn đề lưu thông và tung tin.

“Vấn đề ở thông tin, hiệu ứng xã hội. Chúng ta đã đi trực tiếp đi ở Bắc Giang, Hưng Yên, công tác tái đàn, lợn phát triển rất tốt. Chúng ta không lo nguồn cung mà cần nắm đúng tình hình, bình tĩnh để bình ổn được thị trường” – ông Dương cho hay.

Tại Tọa đàm, hướng dẫn người chăn nuôi về công tác tái đàn, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, chỉ tái đàn khi dịch đã qua 30 ngày và các biện pháp phòng chống đã đảm bảo quy định hiện hành. Tuy nhiên, để đảm bảo tái đàn thành công, ban đầu người nuôi chỉ nuôi khoảng 10% công năng của cơ sở, sau đó, theo dõi 1 tháng, cần thiết lấy mẫu xét nghiệm. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, sẽ nuôi ở mức toàn bộ công năng của cơ sở.

Những tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hướng dẫn rất rõ về vấn đề này, khuyến khích tái đàn tại các địa phương dịch qua 30 ngày, nuôi trở lại với điều kiện áp dụng an toàn sinh học.

Thực tế cho thấy, chưa bao giờ người chăn nuôi có ý thức áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học như hiện nay. Tại các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, người chăn nuôi tự học, tự tìm hiểu về các biện pháp tái đàn, áp dụng hiệu quả. Điều này được chứng minh bằng các đàn lợn nuôi trong thời gian vừa qua./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực