Giải ngân vốn đầu tư thấp vì ảnh hưởng dịch COVID-19

Thứ năm, 25/06/2020 21:25
(ĐCSVN) - Đến ngày 24/6, giải ngân nguồn vốn nước ngoài mới đạt 13,1% (7.427 tỷ đồng) so với dự toán. Nhìn chung, công tác giải ngân vốn thấp và gặp nhiều khó khăn.
leftcenterrightdel
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P) 

Đó là thông tin do ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ  Tài chính) cho biết tại hội nghị trực tuyến  sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức hôm nay (25/6) . 

Theo ông Long, giải ngân của các bộ, ngành trung ương là 2.815 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 15,46% so với  dự toán được giao. Có 3 bộ giải ngân trên 20% so với kế hoạch được giao gồm Bộ Giao thông Vận tải (29%), Bộ Quốc phòng (27,6%), Bộ Y tế (27,3%); có 1 bộ chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là Bộ Công Thương (dự toán được giao là 138 tỉ đồng).

Giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỉ đồng (11,98%); có 14 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 20% so với kế hoạch vốn như Hà Nội, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An…

Đáng chú ý, có tới 10 địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, gồm Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.

Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân hiện là 4,13%. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án, Metro 1 Bến Thành – Suối Tiên; dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 và dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 4.600 tỉ đồng.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, nguyên nhân chính khiến tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài thấp là do Thành phố đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.

Bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết thêm, dự kiến đến hết tháng 7 năm nay, khi các kiến nghị được giải quyết thì Thành phố sẽ giải ngân vốn nước ngoài vay lại được khoảng 7.630 tỉ đồng, đạt 53,76% so với kế hoạch và tiếp tục có đà phấn đấu đạt mức cao nhất hoàn thành chỉ tiêu giải ngân năm 2020.

Còn tại Hà Nội, tình hình giải ngân vốn có khá hơn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Doãn Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn ODA đạt 22,14% kế hoạch giao.

Theo ông Toản, có một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ODA. Trong đó, riêng với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo còn vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, chưa thực hiện xong.

Đối với dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 – hệ thống thẻ vé, do chưa ký được Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với Chính phủ Pháp nên chưa ký được hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và thành phố.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 vẫn cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 (2.050 tỷ đồng/7.427 tỷ đồng), nhưng với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ ra nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân thấp xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án.  Dù vốn đầu tư đã được giao từ đầu năm nhưng cho đến nay vẫn còn một số Bộ, địa phương chưa phân khai và nhập Tabmis hết dự toán được giao, khối lượng triển khai các hoạt động còn thấp.

Ngoài ra, một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án, cơ cấu vốn,...), điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai.

Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án như kế hoạch tổng thể, kế hoạch hoạt động chi tiết, thuê chuyên gia, tuyển chọn tư vấn,... thường kéo dài. 

Tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cũng có ảnh hưởng lớn đối với tiến độ triển khai các dự án vay ODA, vay ưu đãi có các yếu tố gắn với nước ngoài như nhập khẩu máy móc thiết bị, huy động chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài,...

Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, với khoảng 6 tháng còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều, là thách thức cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương. 

Do đó, thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay vốn nước ngoài, vay ưu đãi nước ngoài. 

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân. Lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.

Đối với số vốn nước ngoài các năm trước thuộc kế hoạch trung hạn đã bị hủy do không kịp giải ngân theo dự toán và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện của dự án, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chủ quản tổng hợp để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ cam kết với nhà tài trợ và đảm bảo cho dự án không bị chậm trễ trong quá trình thực hiện./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực