Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19

Thứ tư, 01/04/2020 15:22
(ĐCSVN) – Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang tác động tới các hoạt động kinh tế - xã hội đất nước, nên việc kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý nghĩa sống còn.

Các chương trình hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do COVID-19

Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó quan trọng nhất là gói tín dụng hỗ trợ 250 nghìn tỉ đồng và 30 nghìn tỉ đồng, được giao cho 2 cơ quan “đầu não” là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Đánh giá về chính sách hỗ trợ này, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, Chỉ thị đã được ban hành kịp thời, song cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí thực thi và tính toán cách thức thực hiện thật hiệu quả, đặc biệt là khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.

Về vấn đề lạm phát, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, về dài hạn, nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn sau.

Từ góc độ khác, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã “tiêu được tiền”.

“Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay. Tiếp đó, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách”, ông Thành nhấn mạnh.

Việc hỗ trợ cần được triển khai đúng đối tượng

Trên thực tế, từ đầu tháng 2 đến nay, nhiều ngân hàng đã công bố các gói tín dụng, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mỗi đơn vị làm một kiểu khác nhau, với điểm chung là còn tùy thuộc vào thỏa thuận trực tiếp ở từng trường hợp.

Bản thân các ngân hàng thương mại cho biết việc rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là không dễ dàng. Theo đại diện VPBank, có những doanh nghiệp dễ xác minh thiệt hại thông qua lịch sử kinh doanh (như du lịch, lưu trú, vận tải, hoặc doanh nghiệp sản xuất có đầu vào nguyên vật liệu đến từ những nước bị ảnh hưởng lớn của dịch), nhưng cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp thì rất khó định lượng.

Tương tự, đại diện Vietinbank cũng cho biết tình trạng mỗi doanh nghiệp rất khác nhau, có doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, có doanh nghiệp gặp khó về thị trường nên cần giải pháp hỗ trợ, đồng hành phù hợp.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 23 tổ chức tín dụng bước đầu ước tính khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 14,2% tổng dư nợ. Theo đó đã có trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng được hỗ trợ thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng.

Theo kết quả khảo sát 1.200 doanh nghiệp về tình hình COVID-19 mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng thì có khoảng 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

Hiện, giải pháp mà doanh nghiệp thực hiện phổ biến là cắt giảm lao động (gần 39%), tiếp theo là cắt giảm chi phí (21%), tạm dừng kinh doanh (4%) và cho nhân viên nghỉ không lương (khoảng 4%).

Đáng chú ý có khoảng 19% số doanh nghiệp trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Nhưng ngược lại cũng có nhiều doanh nghiệp tư duy tích cực bằng cách phản ứng chủ động và sáng tạo, chẳng hạn như tích cực tìm thị trường mới (7,2%), nâng cao chất lượng phục vụ (2,4%) hay tranh thủ thời gian đào tạo lại nhân viên (1,7%).

Các doanh nghiệp cũng đồng thời đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ, chủ yếu tập trung nhiều nhất vào giải pháp giảm thuế, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ.

 Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện cắt giảm việc làm, cho nghỉ việc có kỳ hạn với lao động (Ảnh minh họa. Nguồn: PV)

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phù hợp với thực tế hoạt động cung cấp dịch vụ, ngày 28/2, thừa ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn số 2155 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị: rà soát các khoản phí, lệ phí gắn với các dịch vụ do ngành, lĩnh vực mình quản lý; đề xuất giảm mức thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gửi Bộ Tài chính và phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo quy định hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.

Về phía Bộ Công Thương, đơn vị này cũng đã ban hành Chỉ thị số 06 ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước những diến biến mới của dịch bệnh COVID-19.

Ngày 12/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ký ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có hiệu lực ngay từ ngày 13/3.

Vệc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn bằng các gói tín dụng và tài khóa được cho là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, song cũng cần lường trước, kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra từ việc trục lợi chính sách và có các điều chỉnh kịp thời để tránh đẩy lạm phát tăng cao.

 

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực