Giải pháp nào khắc phục dự án giao thông chậm tiến độ?

Thứ ba, 16/06/2020 11:05
(ĐCSVN) - Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, khó khăn chung của các dự án chậm tiến độ chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, việc giải phóng mặt bằng... gặp khó khăn

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ, ngành Giao thông hiện có 48 công trình, dự án trọng điểm; trong đó có các "siêu dự án" như: Cao tốc Bắc -  Nam, sân bay Long Thành… Song, mới chỉ có 24 công trình đưa vào khai thác, đặc biệt, 6 dự án đang thi công rơi vào tình trạng chậm tiến độ gồm: Cao tốc Bến Lức - Long Thành và 5 dự án đường sắt đô thị gồm 3 dự án do Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư là Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và 2 dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi…

 Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông - công trình kéo dài hơn chục năm chưa đi vào hoạt động .(Ảnh: Phi Long)

Vì sao chậm tiến độ, đội vốn?

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, khó khăn chung của các dự án chậm tiến độ chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư phải báo cáo Quốc hội, ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai.

Hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp. Có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam như các dự án đường sắt đô thị, trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.

Năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để. Nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư...

Về cơ bản, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư. Tuy nhiên, các yếu tố chủ quan khác cũng là nguyên nhân chính gây ra việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Cơ chế thực hiện các dự án (đặc biệt là các dự án ODA) còn bất cập, kế hoạch vốn ODA hằng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng...

Trước đó, nhiều lần Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận việc để dự án đội vốn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và tư vấn thực hiện dự án.

Phân tích về thực trạng trên, một số chuyên gia kinh tế và chuyên gia giao thông khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải đương nhiên phải là đơn vị chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra tại các dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn mà Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một điển hình.

Theo ý kiến của các chuyên gia, các dự án giao thông bị chậm tiến độ, đội vốn thời gian gần đây đã gây ra những hệ lụy xấu. Nguyên nhân làm chậm tiến độ hoặc đội vốn đầu tư của một số dự án trọng điểm là do nguồn vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm...  

Ngoài ra, không ít dự án trọng điểm có quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý và công nghệ thi công phức tạp, trong khi  chủ đầu tư còn hạn chế về kinh nghiệm quản lý, thực hiện; năng lực của các ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn cũng chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến tình trạng những vướng mắc không được giải quyết một cách triệt để; nhiều nội dung điều chỉnh bị kéo dài thời gian thực hiện làm tăng tổng mức đầu tư, chưa kể đến những khó khăn do biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, tỷ giá hối đoái thay đổi... cộng với công tác quy hoạch ở một số địa phương chưa thực hiện tốt (mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn).

Giải pháp nào để khắc phục?

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang gặp khó vì thiếu vốn (Ảnh: Hoàng Hùng) 

Trước mắt, có ý kiến đề xuất, việc quản lý các dự án đầu tư công, dự án ODA cần phải xây dựng chi tiết, cụ thể để khi xảy ra vấn đề đội vốn, chất lượng kém, thời hạn hoàn thành không đúng tiến độ phải quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể. Đối với những nhà thầu trong và ngoài nước có  dự án chậm tiến độ, đội vốn thì cương quyết xếp vào danh sách những nhà thầu không cho tham gia các dự án tiếp theo của ngành giao thông.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án và giảm việc tăng mức đầu tư dự án, có ý kiến khác còn cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu quản lý dự án đảm bảo việc quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức thực hiện dự án chậm, đội vốn. Những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ phải xử lý theo pháp luật.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục việc đội vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp; trong đó, có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quản lý đất đai, môi trường... đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế… Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, chuẩn bị dự án đầu tư; thực hiện chặt chẽ khâu tuyển chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu để chuẩn bị dự án...

Nhiều ý kiến bày tỏ sử đồng tình và cho rằng, gốc rễ của tình trạng chậm tiến độ, đội vốn là do lỗi hệ thống điều hành các dự án đầu tư không khớp với nhu cầu của sự phát triển. Quy hoạch tràn lan, không có sắp xếp trật tự ưu tiên, không xác định tầm quan trọng của từng dự án để tìm nguồn lực tương xứng. Những dự án chậm trễ phải kiên quyết đình chỉ, thu hồi, quy rõ và xử lý trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đơn vị./.

 

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực