Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 22/04/2010 16:01
Ngày 21 - 4, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” nhằm tìm giải pháp hữu hiệu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Với 13 tỉnh, thành phố, ĐBSCL được đánh giá là một châu thổ lớn và phì nhiêu vào bậc nhất của cả khu vực Đông Nam Á. Hiện nay vùng đồng bằng này đã đóng góp 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây của cả nước. Hàng năm cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng thủy sản nuôi trồng, xuất khẩu chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay khu vực ĐBSCL vẫn là vùng có chỉ số năng lực cạnh thấp, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún; chất lượng thấp, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô chưa có những thượng hiệu mạnh.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng còn yếu, trình độ học vấn thấp hơn mức bình quân chung cả nước gây những trở ngại phát triển của vùng, đời sống của nông dân, ngư dân, chưa tạo ra sức bật về kinh tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những thách thức ĐBSCL đang phải đối mặt như: Nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt; chất thải sản xuất, sinh hoạt…chưa được xử lý triệt để; tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng; phèn hóa cục bộ; mưa lũ, hạn hán …và nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, nhiệt độ vùng ĐBSCL sẽ tăng trung bình từ 1,4 đến 2,6oC, lượng mưa sẽ giảm nhiều hơn vào mùa khô và tăng nhiều vào mùa mưa. Đến năm 2100, nước biển dâng sẽ làm ĐBSCL bị ngập nước từ 12,8-37,8% diện tích tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số và gây tổn thất ước tính 10% GDP.

Tuy nhiên việc biến đổi khí hậu cũng là điều kiện để các địa phương thay đổi cơ cấu kinh tế và quy hoạch phát triển. Để ĐBSCL phát triển bền vững về nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay các chuyên gia cho rằng cần phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển khoa học công nghệ, chú trọng đúng mức việc phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường liên kết chặt chẽ “bốn nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp), đa dang hóa ngành nghề, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” do thiếu quy hoạch đúng đắn .

Hiện nay, nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng được đầu tư cho ĐBSCL như: dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A, cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc, khai thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…và nhiều chính sách quan tâm, đầu tư phát triển của Trung ương đã và đang tạo ra “một bức tranh mới” cho khu vực ĐBSCL.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực