Giải quyết những vướng mắc để phát triển nghề nuôi bò sữa

Thứ năm, 10/05/2018 16:03
Đại diện Công ty Vinamilk khẳng định tiếp tục đồng hành với bà con nông dân nuôi bò sữa để cùng nhau phát triển bền vững; đồng thời giải đáp những vấn đề khúc mắc giữa các hộ dân trong việc đánh giá chất lượng sữa, nguyên nhân chất lượng sữa không ổn định và mục đích của việc thu mua sữa theo chính sách giá sữa bậc thang.

Sau khi anh Trần Duy Đức, chủ hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đổ bỏ sữa bò trước cửa Trạm trung chuyển sữa tươi của Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, Công ty Vinamilk, UBND thị xã Thái Hòa và đại diện các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thị xã đã tìm tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm mục đích phát triển hiệu quả nghề nuôi bò sữa tại địa phương.

Người dân chăm sóc bò sữa. (Ảnh: VOV).

Theo bà Cao Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa, ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội và đến nay anh Đức vẫn chưa liên lạc với chính quyền. Xã Nghĩa Mỹ chỉ có duy nhất gia đình anh Đức nuôi bò sữa, nhờ bò sữa mà gia đình anh khá lên và đây cũng là mô hình chăn nuôi bò sữa điểm của thị xã Thái Hòa.  

Có mặt tại trang trại của anh Đức để tìm hiểu sự việc, điều dễ nhận thấy là mọi hoạt động chăn nuôi và chăm sóc bò sữa vẫn diễn ra bình thường. Hiện tại, trang trại của anh có hơn 30 con bò; trong đó có 17 con cho sữa. Sau khi sự việc anh Đức đổ sữa xảy ra, chị Hiệp (vợ anh Đức) hàng ngày vẫn nhập sữa bò cho Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An với khoảng 140 lít sữa tươi/ngày.

Chị cho biết: “Gia đình vẫn nhập sữa bình thường cho Nhà máy, nhưng chưa biết về mức giá và đến cuối tuần này mới biết được. Sau khi xảy ra sự việc, được đại diện Công ty giải thích nên chồng tôi đã hiểu vấn đề. Mong là sự việc khép lại, Nhà máy và gia đình giải quyết được những khúc mắc để cùng nhau phát triển nghề nuôi bò sữa”.

Hợp đồng thu mua sữa giữa Vinamilk và các hộ nuôi bò sữa tính theo 5 bậc thang, từ 7.000 đồng/kg đến 14.000 đồng/kg tùy theo chất lượng sữa như: Hàm lượng vật chất khô, chất béo và tế bào sô ma. Nhưng từ đầu tháng 1/2018 đến nay, một số hộ chăn nuôi bò sữa phản ánh việc Công ty Vinamilk đánh giá chất lượng sữa của hộ dân lên xuống thất thường, trong khi quy trình chăm sóc đảm bảo, sức khỏe đàn bò sữa ổn định. Nguyên nhân được người dân phản ánh là quá trình lấy mẫu và phân tích chất lượng sữa thiếu công khai, minh bạch, ảnh hưởng đến tâm lý của các hộ chăn nuôi bò sữa.

Ông Lê Đức Thành, xóm 7, xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa là hộ dân nuôi bò sữa hơn 10 năm nay và có hợp đồng bán sữa với Công ty Vinamilk cho biết, quy trình lấy mẫu sữa được chọn ngẫu nhiên bất cứ một ngày nào trong tuần, từ đó sẽ cho ra kết quả bình quân cả tuần. Như thế sẽ bất cập bởi chất lượng sữa từng ngày khác nhau, nếu mẫu sữa trúng vào ngày đạt chất lượng không cao thì tuần đó giá sữa sẽ thấp và ngược lại.

Chẳng hạn, nếu chất lượng sữa đạt cao thì được thang điểm 1 là 14.000 đồng/lít, còn chất lượng mẫu sữa thấp nhất sẽ rơi vào thang điểm 5 là 7.000 đồng/lít. Mỗi ngày, gia đình ông Thành có 6 con bò cho sữa và nhập cho điểm thu mua sữa của Vinamilk 100 lít sữa tươi. Nếu giá 14.000 đồng/lít thì gia đình ông thu về 1,4 triệu đồng với 100 lít sữa, còn giá 7.000 đồng/lít thì chỉ còn 700.000 đồng.

Trang trại bò sữa của ông Hồ Sĩ Điều ở xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa có 40 con bò sữa và ông đã có 13 năm nuôi bò sữa. Mỗi ngày ông nhập cho điểm thu mua sữa của Vinamilk 300 lít sữa bò tươi. Với 300 lít sữa, chỉ cần giá cả sữa bò mỗi tuần khác nhau thì số tiền sẽ thay đổi lớn. Ông Điều kiến nghị Nhà máy nên lấy mẫu sữa xét nghiệm từng ngày và sau đó thông báo giá từng ngày cho người dân biết và cuối tuần khi trả tiền người dân phải được nhận hóa đơn giá trị gia tăng.

Để các hộ nuôi bò sữa ở thị xã Thái Hòa yên tâm, ổn định tâm lý, ngày 5/5/2018, UBND thị xã Thái Hòa, Công ty Vinamilk, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An, ông Trần Duy Đức (người đổ sữa bò) cùng đại diện các hộ chăn nuôi bò sữa đã có buổi làm việc.

Qua đó, đại diện Công ty Vinamilk khẳng định tiếp tục đồng hành với bà con nông dân nuôi bò sữa để cùng nhau phát triển bền vững; đồng thời giải đáp những vấn đề khúc mắc giữa các hộ dân trong việc đánh giá chất lượng sữa, nguyên nhân chất lượng sữa không ổn định và mục đích của việc thu mua sữa theo chính sách giá sữa bậc thang.

Cùng với đó, Công ty đã đưa ra 4 giải pháp để minh bạch quá trình thu mua và thử nghiệm mẫu sữa như: Luân chuyển cán bộ quản lý bồn sữa tại thị xã Thái Hòa; đánh giá phân tích chất lượng sữa 7 ngày/tuần để lấy kết quả bình quân thay vì một lần/tuần như trước đây; hộ chăn nuôi bò sữa được tham gia sát quá trình niêm yết mẫu trước khi gửi về Nhà máy; người nông dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc đàn bò sữa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Công ty.

Ông Ngô Công Thắng, Giám đốc Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An cho biết, tại tỉnh Nghệ An, Nhà máy đang thu mua sữa của 103 hộ dân, lượng sữa hàng ngày khoảng 9 tấn, giá sữa bình quân 12.727 đồng. Chất lượng sữa được kiểm soát chặt chẽ và khoa học. Nhà máy chỉ thu mua sữa của bà con ký hợp đồng trực tiếp với Công ty và điều kiện sữa đạt chất lượng như trong hợp đồng đã thỏa thuận. Nếu sữa không đạt chất lượng thì sẽ tạm ngưng thu mua và yêu cầu hộ dân khắc phục cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và giám sát từ Nhà máy.

Ông Ngô Xuân Đồng, Phó Trường phòng kinh tế, thị xã Thái Hòa cho rằng sự việc xảy ra là đáng tiếc vì nhiều năm qua Vinamilk cùng bà con nông dân nuôi bò sữa luôn đồng hành chặt chẽ, các hộ nuôi bò sữa có thu nhập cao và hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách và hỗ trợ của Vinamilk để phát triển nghề nuôi bò sữa.

Các hộ nuôi bò sữa ở thị xã Thái Hòa như gia đình ông Hồ Sĩ Điều, Lê Đức Thành... đều công nhận giá trị kinh tế cao mà bò sữa mang lại cho bà con nông dân và tin tưởng vào Vinamilk với nhiều chính sách ưu tiên phát triển ngành bò sữa trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và thị xã Thái Hòa nói riêng.

Các hộ dân được Công ty Vinamilk hỗ trợ khoa học kỹ thuật, con giống, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa. Số lượng đàn bò từ 161 con vào tháng 10/2015 và đến nay đã lên tới 294 con với 19 trang trại. Lượng sữa nhập về Nhà máy 2.200kg/ngày. Đây là một trong những mô hình liên kết chuỗi bền vững cho hiệu quả kinh tế cao.

UBND thị xã Thái Hòa xác định, bò sữa là đối tượng vật nuôi chủ lực. Thời gian quan thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan đã có nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân vay vốn với lãi suất thấp, liên kết cung cấp con giống với trang trại chăn nuôi sữa bò Vinamilk… Thực tế, nghề nuôi bò sữa cũng đã mang lại cho nhiều hộ dân thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu.

Từ sự việc nêu trên, thị xã Thái Hòa và đại diện các hộ chăn nuôi bò sữa thống nhất đề nghị Công ty Vinamilk quan tâm, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi bò sữa để ổn định, nâng cao chất lượng sữa; đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động điểm thu gom sữa trên địa bàn thị xã.../.

Nguyễn Oanh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực