Giảm nghèo bền vững trên quê hương cách mạng

Chủ nhật, 21/06/2020 17:05
(ĐCSVN) – Trong những năm qua, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Tuyên Quang chú trọng thực hiện tích cực, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, bảo đảm các nguồn lực cần thiết để gắn công tác giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhận thức rõ ý nghĩa to lớn của công tác giảm nghèo, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trên các lĩnh vực. Trên cơ sở bám sát đặc điểm địa phương, cấp ủy đảng các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng và phát triển tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các mô hình nuôi gia súc, gia cầm, kinh tế rừng tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân thoát nghèo.

Là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã vừa tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình, mục tiêu giảm nghèo vừa tuyên truyền, động viên người dân tích cực phát huy nội lực để giảm nghèo và phát triển kinh tế. Cùng với việc đẩy mạnh hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Yên Sơn đã coi trọng việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, để giảm nghèo bền vững, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương cũng được huyện quan tâm thực hiện tốt. Nhờ đó, tính đến đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn chiếm trên 8,28%, thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh.

Hỗ trợ bò cái sinh sản cho hộ nghèo xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Ảnh:  Đặng Huyền

Được biết, cùng với Yên Sơn, các huyện, thành phố khác ở Tuyên Quang cũng có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác giảm nghèo, gắn với nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống người dân. Theo đó, các địa phương và các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp đã thường xuyên tập huấn kỹ thuật sản xuất tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận với những kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi mới là cơ sở để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ hộ nghèo trong sản xuất, Tuyên Quang cũng triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo như: hỗ trợ về bảo hiểm y tế, hỗ trợ con hộ nghèo trong học tập; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ người nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở nhằm xoá nhà tạm, nhà dột nát... Chị Hoàng Thị Đẹp ở xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chia sẻ: “Nhờ tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi và được sự hỗ trợ của các cấp, tôi đã mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiệu quả thu được từ mô hình đã giúp gia đình tôi thoát nghèo và có thêm điều kiện kinh tế để chăm lo cho các con”.

Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, với các chính sách hỗ trợ đắc lực của Trung ương, các giải pháp triển khai có hiệu quả của các cấp, các ngành địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang đang thu được những kết quả tích cực. Qua đó, giúp người nghèo không những tăng thu nhập mà còn tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành mục tiêu thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đến hết năm 2019, bình quân thu nhập toàn tỉnh đạt khoảng 36,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 12%.

Theo đồng chí Chẩu Xuân Oanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, một trong những kết quả có tính bền vững của công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh đó là đã giúp các hộ gia đình khó khăn từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa; giúp các hộ nghèo áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo nhóm... Nhờ đó, một bộ phận người dân đã mạnh dạn phát triển sản xuất theo hướng hiệu quả; giảm sự phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang hiện vẫn còn những tồn tại, bất cập nhất định. Còn tồn tại tâm lý ỷ nại, trông chờ hỗ trợ; việc thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của người dân còn chậm; kế hoạch thực hiện giảm nghèo của một số địa phương còn chung chung; những giải pháp đối với từng đối tượng cụ thể (nghèo thu nhập, nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản...) chưa phát huy được hiệu quả; chưa gắn các mô hình phát triển sản xuất lồng ghép các nguồn vốn vào kế hoạch giảm nghèo, giải pháp khuyến khích động viên các hộ thoát nghèo...

Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hiệu quả trong hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát huy khai thác hết tiềm năng, lợi thế, không để đất trống trong sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; xây dựng ở người dân quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Coi trọng việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo, xây dựng các vùng chuyên canh cây, tăng cường công tác dạy nghề, nâng cao dân trí, giải quyết việc làm cho người lao động. Qua đó, thiết thực nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực